Cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế - Bài 2: 'Năm giảm' ở bộ máy hành chính cấp tỉnh

“Năm giảm”: giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng lãnh đạo, giảm biên chế và giảm thủ tục hành chính - Đây là kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện sắp xếp tổ chức hành chính theo Nghị quyết số 18-NQ/TW (một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và Nghị quyết số 19-NQ/TW (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập).

Giảm cơ quan chuyên môn

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 56/2017/QH14, Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng lãnh đạo, giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chú thích ảnh
Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Tỉnh ủy về việc sáp nhập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp vào Đảng bộ Dân - Chính - Đảng. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Căn cứ Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị, các địa phương chủ động xây dựng Đề án và thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan chuyên môn với các cơ quan đảng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Đến nay, theo báo cáo của 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 4 tỉnh đã thực hiện. Đó là tỉnh Lào Cai thực hiện hợp nhất Sở Giao thông với Sở Xây dựng. Tỉnh Bạc Liêu thực hiện hợp nhất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin - Truyền thông; Sở Khoa học - Công nghệ với Sở Giáo dục và Đào tạo. Tỉnh Hà Giang thực hiện hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ; Thanh tra với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Tỉnh Cà Mau thực hiện sáp nhập Sở Ngoại vụ với Văn phòng UBND tỉnh.

Đối với cấp huyện, 51 huyện thuộc 21 tỉnh đã thực hiện hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND. 40 huyện thuộc 12 tỉnh thực hiện hợp nhất Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ. 35 huyện thuộc 10 tỉnh hợp nhất Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra huyện. 15 huyện của tỉnh Lạng Sơn và Sơn La đã sáp nhập Phòng Dân tộc với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. 36 huyện thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Sơn La, Cà Mau, Kiên Giang sáp nhập Phòng Y tế với Văn phòng HĐND và UBND. 16 huyện của Bắc Kạn, Quảng Ninh, Kiên Giang sáp nhập Phòng Dân tộc với Văn phòng HĐND và UBND.

Đến nay, ở cấp tỉnh, có 1.180 cơ quan chuyên môn (giảm 5 tổ chức, tương đương với giảm 0,42%), trong đó có 47 Sở Ngoại vụ, 2 Sở Quy hoạch - Kiến trúc; 46 Ban Dân tộc và 13 Sở Du lịch; có 7.1 phòng (giảm 973 tổ chức, giảm 11,24%); có 950 chi cục (giảm 127 tổ chức, giảm 11,79%). Số phòng thuộc chi cục giảm 1.179 tổ chức (giảm 26,43%), xuống còn 3.281 phòng. Tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh giảm 12 tổ chức (giảm 8,45%), còn 130 tổ chức.

Ở cấp huyện, bộ máy hành chính cũng giảm mạnh, giảm 294 tổ chức (giảm 3,33%), trong đó có 278 phòng Dân tộc, đưa số cơ quan chuyên môn cấp huyện xuống còn 8.526 tổ chức.

Giảm 4.670 đơn vị sự nghiệp công lập

Bộ Nội vụ cho biết, năm 2015, số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các địa phương là 55.634 đơn vị, chiếm hơn 98% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước. Sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến cuối tháng 2/2020, cả nước có 49.445 đơn vị, giảm 4.670 đơn vị (8,63%) so với năm 2017 và giảm 6.189 đơn vị (11,12%) so với năm 2015.

Như vậy, đến hết tháng 2/2020, tính chung kết quả sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã giảm 11% so với năm 2015 (vượt mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến năm 2021 tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập). Trong đó, các địa phương đạt mục tiêu của Nghị quyết (giảm được 11,12% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015), còn các bộ, ngành mới giảm 4,82% đơn vị so với năm 2015. Một số ngành, lĩnh vực đã tinh gọn đầu mối, giảm mạnh số lượng đơn vị sự nghiệp công lập như: thông tin và truyền thông (30,76%), văn hóa, thể thao và du lịch (27,8%), giáo dục nghề nghiệp (24,4%), y tế (23,5%).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn năm 2015 là 959 đơn vị, trong đó, có 576 đơn vị sự nghiệp giáo dục, 216 đơn vị sự nghiệp y tế, 30 đơn vị sự nghiệp khoa học, đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao và 99 đơn vị sự nghiệp khác.

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động triển khai kịp thời, đúng với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong tình hình mới. Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập được tiến hành một cách nghiêm túc, khẩn trương, đảm bảo quy định, tạo sự đồng thuận cao về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, quan tâm đến quyền, lợi ích và không gây xáo trộn, ảnh hưởng về tâm lý của cán bộ, viên chức.

Với việc tập trung đi trước một bước về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đến thời điểm hiện nay, Yên Bái đã giảm được 240/959 đơn vị sự nghiệp, đạt 25,03% (giải thể 3 đơn vị, sắp xếp tinh gọn đầu mối 237 đơn vị) so với năm 2015. Trong đó, riêng số đơn vị sự nghiệp giáo dục đã giảm 25%, vượt tỷ lệ rất cao so với yêu cầu của Nghị quyết số 19 là 10%; gồm 130 trường, giảm 478 điểm trường (17 trường và 190 điểm trường mầm non; 109 trường và 284 điểm trường tiểu học, mầm non – tiểu học; 4 trường và 4 điểm trường trung học cơ sở).

Giảm số lượng lãnh đạo

Đi liền với việc giảm bộ máy, giảm đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng cấp phó cũng giảm theo. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng số Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh là 201 người, giảm 16 người (7,37%); tổng số Phó Chủ tịch UBND cấp huyện là 1.554 người, giảm 78 người (4,78%).

Số lãnh đạo cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh là 3.011 người, giảm 266 người (8,12%). Số lãnh đạo cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc UBND cấp huyện là 13.309 người, giảm 1.263 người (8,67%). Lãnh đạo cấp phó của người đứng đầu chi cục là 1.492 người, giảm 243 người (14,01%). Lãnh đạo cấp phó của người đứng đầu phòng và tương đương thuộc chi cục và tương đương là 2.904 người, giảm 995 người (25,52%).

Tại Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cho biết, tỉnh đã giảm được 587 lãnh đạo quản lý, trong đó có 240 cấp trưởng, 347 cấp phó. Riêng ngành Giáo dục, sau khi sắp xếp giảm theo nhu cầu 277 lãnh đạo, quản lý; giảm trực tiếp 257  lãnh đạo, quản lý (130 hiệu trưởng, 127 phó hiệu trưởng); trong đó: 122 hiệu trưởng miễn nhiệm làm phó hiệu trưởng; 124 người miễn nhiệm làm giáo viên (9 hiệu trưởng, 115 phó hiệu trưởng)…

Bài 3: Sắp xếp huyện, xã: “3 giảm”, “5 tăng”

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế - Bài 1: Bước chuyển mạnh mẽ từ Nghị quyết 18,19
Cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế - Bài 1: Bước chuyển mạnh mẽ từ Nghị quyết 18,19

Cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN