Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nóng, bùng phát nhiều vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Môi trường đang phải chịu nhiều sức ép từ gia tăng dân số, đô thị hoá nhanh, công nghiệp hoá mạnh, gia tăng sản xuất nông nghiệp, cường độ khai thác tài nguyên ...
Nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Tính đến nay, cả nước có 283 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó mới chỉ có 212 khu công nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu, đạt tỷ lệ 75%; 615 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng hơn 5% đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các KCN, CCN còn lại, hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường, dẫn đến nước thải không đạt yêu cầu QCVN. Ngoài ra, hiện nay cả nước có hơn 4.500 làng nghề hầu hết còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua cũng đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khoẻ của người dân, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, sự cố môi trường biển miền Trung tháng 4 vừa qua, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài; đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. |
Để quản lý môi trường hiệu quả trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất, cần sớm có quy hoạch môi trường, tiếp cận theo hướng tổng hợp liên vùng, phục vụ quá trình tái cơ cấu kinh tế thời gian tới.
Cùng với đó, hiện vẫn tồn tại nhiều loại hình sản xuất công nghệ thấp, gây ô nhiễm lớn. Vừa rồi, Bộ TN&MT thanh tra 137 cơ sở có nước thải trên 200m3 trở lên thì có ít nhất 60% cơ sở vi phạm hoặc có hạ tầng nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả nên cần khẩn trương rà soát kiểm tra, yêu cầu DN phối hợp, có lộ trình rõ ràng yêu cầu họ đáp ứng yêu cầu môi trường.
Cùng với đó, thời gian tới, nếu không có ngay các biện pháp phòng ngừa thì cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí sàng lọc, danh mục công bố công khai ngành công nghiệp ô nhiễm và không chấp nhận cho đầu tư nếu gây ô nhiễm.
Đặc biệt, tăng cường và đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho BVMT. Rà soát, xem xét, điều chỉnh các cơ chế tài chính, huy động nguồn lực cho BVMT, nhất là cơ chế huy động trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả đúng, trả đủ chi phí xử lý, khắc phục”; “Người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”, chuyển phí thành giá trong dịch vụ xử lý các vấn đề môi trường. Các nguồn thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường phải được đầu tư trở lại cho các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường. Chú trọng trọng tâm là hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.
“Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại sẽ kéo theo doanh nghiệp Việt Nam chịu hàng rào phi thuế quan, liên quan xuất xứ sản phẩm, đầu tư...thì một trong những yêu cầu cần hành động ngay là hoàn thiện từ văn bản cho đến thực hiện thực tế. Sửa đổi các các luật về môi trường và các luật có liên quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất, giảm chồng chéo, xung đột, chồng lấn; bám sát thực tế, theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, diễn biến nhanh và mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Cũng trong diễn đàn, GS Mai Trọng Nhuận, trưởng nhóm điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm biển miền Trung cho biết, biển miền Trung đã an toàn cho tắm biển, du lịch và đánh bắt thủy sản...