Tại buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Ninh Thuận trong việc quán triệt, thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn của địa phương, góp phần làm cho kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển, chính trị ổn định, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Để làm tốt hơn nữa công tác dân vận thời gian tới, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, phát huy quyền làm chủ, đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong việc tham gia giám sát công việc của chính quyền; chú trọng kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của nhân dân, không để phát sinh các “điểm nóng”, các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của tỉnh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội về công tác dân vận; đổi mới hình thức tổ chức, phối hợp, liên kết, bảo đảm sát với yêu cầu thực tế, tránh chồng chéo, hình thức, kém hiệu quả
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị của tỉnh cần thường xuyên kiện toàn tổ chức, bộ máy; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ dân vận. Các địa phương đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dân vận, tiếp tục thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội - Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai lưu ý.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, công tác dân vận thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 113 mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, được nhân dân tích cực tham gia, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 20/47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 42,55% kế hoạch). Môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ hạng cao, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) được xếp hạng vào nhóm tỉnh đạt điểm cao nhất cả nước (xếp vị thứ 13/63 tỉnh, thành năm 2018).
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành 8 nhóm giải pháp với 169 nhiệm vụ cụ thể chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện. Kết quả, trong 9 tháng năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng GRDP đạt 11,71%; thu ngân sách ước đạt 3.328/2.700 tỷ đồng (bằng 123,3% kế hoạch). Các lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao có bước phát triển mạnh mẽ, tạo diện mạo mới cho bức tranh kinh tế của địa phương.
Ninh Thuận chú trọng đổi mới nội dung, phương thức lồng ghép công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức viên chức, phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Hiện, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo tiếng dân tộc Chăm, Ra Glai cho cán bộ, công chức, viên chức; qua đó góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi.
Để công tác dân vận mang lại hiệu quả cao, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Ban dân vận Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong công tác đào tạo chính quy, bồi dưỡng kỹ năng công tác dân vận đối với đội ngũ cán bộ, người đứng đầu chính quyền các cấp; tham mưu Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong việc triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội sau khi có chủ trương dừng xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân.