Thủ tướng nhấn mạnh, động lực của phát triển dược liệu là từ nhu cầu của thị trường và lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Hội Dược liệu Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội dược liệu Việt Nam Tạ Ngọc Dũng cho biết, do không đáp ứng được nhu cầu trong nước nên 80% dược liệu sử dụng hiện nay là nhập khẩu. Sản xuất dược liệu trong nước thì còn thiếu quy hoạch, không đạt tiêu chuẩn Hệ quản lý chất lượng GACP của Tổ chức y tế thế giới (WHO).
Hiện nước ta chỉ có 18 trong số 300 cây dược liệu được cấp chứng chỉ GACP. Công tác quản lý về chất lượng dược liệu còn bất cập, đe dọa an toàn đối với người sử dụng.
Nhất là có sự lẫn lộn về dược liệu đảm bảo chất lượng và không đảm bảo chất lượng; không truy xét được nguồn gốc xuất xứ; thiếu hệ thống dữ liệu về dược liệu cấp toàn quốc; thiếu kinh nghiệm điều hành, quản lý sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dược liệu trong nước và xuất khẩu.
Hiệp hội dược liệu Việt Nam đánh giá, tiềm năng cây dược liệu Việt Nam rất lớn, nhiều cây dược liệu quý, như sâm Ngọc Linh được đánh giá có chất lượng cao hơn sâm của nước ngoài.
Nhưng để khai thác được tiềm năng đó, thì phải giải bài toán về vấn đề chất lượng dược liệu và đầu ra cho sản phẩm dược liệu. Chính do sản xuất manh mún, thiếu quy hoạch đã khiến đầu ra chất lượng thấp và ngay doanh nghiệp sản xuất trong nước không mua sản phẩm dược liệu của nông dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Hội Dược liệu Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Để khuyến khích sản xuất dược liệu, đại diện Hiệp hội cho rằng, các bác sỹ cũng cần kê đơn thuốc được sản xuất từ dược liệu trong nước, nếu có chất lượng tốt và tác dụng chữa bệnh thay vì chỉ kê thuốc tây.
Theo Bộ Y tế, sản phẩm đầu ra của dược liệu nước ta chủ yếu là sử dụng sản xuất thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc y dược cổ truyền nhưng không phải dễ tiêu thụ. Do sản xuất còn manh mún, nên chất lượng sản phẩm đầu ra có giá thành cao, khiến phải nhập khẩu từ 70-80% nhưng chất lượng lại không đảm bảo.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ về tiềm năng to lớn và điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu ở Việt Nam, một nước nhiệt đới, nhiều núi rừng. Đặt vấn đề loại cây trồng, vật nuôi nào nước ta có lợi thế so sánh, có thể mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân thì phải làm cho tốt để mang lại lợi ích cho người dân, Thủ tướng cho rằng, trong số đó có cây dược liệu.
Tuy vậy, trong phát triển cây dược liệu ở nước ta vẫn còn những khó khăn. Trong đó, Thủ tướng chỉ ra quy hoạch sản xuất dược liệu chưa chỉ ra được trồng loại cây gì và ở đâu, nhất là với các cây dược liệu phong phú ở miền Bắc và miền Trung.
Việc cần làm là tìm biện pháp tổ chức sản xuất gắn với chế biến, thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp; tổ chức đầu ra, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thủ tướng cũng thống nhất quan điểm động lực của phát triển dược liệu là từ nhu cầu của thị trường và lấy kinh tế tư nhân, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể làm động lực phát triển. Bên cạnh đó, cần tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu ở một số vùng, miền để sản xuất có quy mô lớn.
Nhấn mạnh việc phải coi trọng chất lượng, thương hiệu dược liệu Việt Nam, Thủ tướng cho rằng cần quản lý tốt hơn sản xuất dược liệu; ngăn chặn có hiệu quả nạn nhập lậu, buôn lậu hàng dược liệu giả vào trong nước, phá hoại thị trường trong nước; có biện pháp tăng cường quản lý chất lượng dược liệu phù hợp với bộ tiêu chuẩn dược liệu và các biện pháp quan trọng khác, trong đó có biện pháp gắn với chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ dược liệu.