Theo bà Tô Thị Bích Châu, hiện nay công tác thi đua khen thưởng vẫn còn hiện tượng “cào bằng” giữa khối quản lý nhà nước với mặt trận đoàn thể. Với vai trò tuyên truyền vận động, khối mặt trận đoàn thể thường xuyên tiếp xúc với người dân nên đối tượng thực hiện thi đua khen thưởng sẽ rộng hơn khối chính quyền.
Tuy nhiên, phong trào thi đua khen thưởng vẫn đang nghiêng nhiều về đối tượng là cán bộ viên chức, cá nhân, đơn vị mà chưa có nhiều hoạt động khen thưởng cho những cá nhân, đoàn thể tiêu biểu trong dân. Khi khen phải khen nhiều, thậm chí phải khen dân trước khi khen cán bộ, tuy nhiên, kinh phí khen thưởng cho người dân, đoàn thể thông qua mặt trận, đoàn thể lại đang bị giới hạn chỉ 20% tổng quỹ theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua khen thưởng. Từ thực tế này, bà Tô Thị Bích Châu kiến nghị Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương cần có cơ chế và kinh phí thích hợp để khối Mặt trận, đoàn thể có thể “tự tin” đề xuất khen thưởng những cá nhân tiêu biểu, thúc đẩy không khí thi đua, lao động và tạo được sức lan tỏa trong nhân dân.
Theo ông Huỳnh Công Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thi đua - Khen thưởng, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019 Thành phố không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua, công tác thi đua khen thưởng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, tạo được không khí thi đua sôi nổi, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong các lĩnh vực đời sống xã hội của Thành phố. Từ đầu năm 2019 đến nay, tổng tiền chi khen thưởng trên địa bàn đạt hơn 52 tỷ đồng. Đặc biệt, Thành phố quan tâm khen thưởng nhiều hơn đối với đối tượng công nhân, nông dân và người trực tiếp lao động…
Đánh giá cao những hoạt động nổi bật trong triển khai các phong trào thi đua và công tác khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc của Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, Thành phố đã luôn đổi mới công tác thi đua khen thưởng với nhiều cách làm bàn bản, sáng tạo thông qua các phong trào phong phú như phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển”, "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”... Cách làm của Thành phố là cơ sở để Trung ương nghiên cứu đổi mới và phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương khác.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố cần tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng nhất là thực hiện tốt Chỉ thị số 34 ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Từ đó, khơi dậy sức mạnh của người dân cả nước nói chung, Thành phố nói riêng để người dân thấy được nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng của mỗi người dân.
“Công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân về công tác thi đua phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, bởi khi người dân hưởng ứng và đồng tình thì mọi chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đều hoàn thành. Việc khen thưởng phải công khai, minh bạch và dân chủ, phải khen trúng, khen đúng thì mới động viên được nhân dân; đồng thời, công tác bình xét thi đua khen thưởng phải đảm bảo hồ sơ đúng, đầy đủ thủ tục và phải có sự đồng thuận…”, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Trước đó sáng cùng ngày, Đoàn công tác cũng đã có buổi kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng ở quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh). Để hoạt động thi đua tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển, củng cố niềm tin trong nhân dân, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị quận Tân Phú, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng nhất là thực hiện tốt Chỉ thị số 34 ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; gắn các phong trào thi đua yêu nước với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Công tác thi đua phải tạo sức lan tỏa trong từng người dân, từng cán bộ, công chức của quận để thi đua không phải là bằng khen, là huân chương mà thi đua phải thể hiện tinh thần yêu nước và phát huy những sáng kiến, sáng tạo của nhân dân vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc phát động phong trào thi đua trong quận phải góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên, đẩy lùi tệ nạn xã hội, không còn hiện tượng “cướp, giật” để người dân an tâm khi ra đường. Đặc biệt các phong trào thi đua phải hướng tới xây dựng hình ảnh những cá nhân thanh lịch, có đầy đủ đức, trí, tài để phục vụ đất nước. Thực hiện được điều này phải có sự quan tâm, phối hợp từ gia đình, nhà trường và xã hội trong đào tạo, định hướng nhân cách, định hướng kiến thức để mỗi học sinh, sinh viên sẽ là những thế hệ kế cận có ích cho Thành phố.
Cũng trong sáng 12/12, Đoàn công tác đã thăm và làm việc với Công ty Cổ phần thực phẩm C.J Cầu Tre, quận Tân Phú.