Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong khối nội chính và các địa phương trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2023. Những kết quả đạt được đã góp phần rất lớn trong việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo; tập trung chỉ đạo và có giải pháp, lộ trình cụ thể xử lý dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài, hạn chế tối đa phát sinh vụ việc mới gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, trong đó cần làm rõ những giải pháp trọng tâm, then chốt và mang tính đột phá.
Đồng thời, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng cần tăng cường đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải bảo đảm kết nối liên thông từ Trung ương đến cơ sở và phải có sự kết nối giữa các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, đoàn thể để thống kê, theo dõi, xử lý, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công khai vụ việc đã xử lý.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trong khối nội chính và các địa phương tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung xử lý kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra điểm nóng, gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật. Công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Liên quan đến công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, số đơn thư năm 2023 tăng mạnh; tỷ lệ đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cao lại càng giảm; việc chuyển đơn và xử lý đơn còn nhiều bất cập. Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến đại biểu Quốc hội, thời gian tới Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, phân định rõ các loại đơn theo thẩm quyền giải quyết nhằm hạn chế trùng lặp...
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Quan tâm tới việc thu thập chứng cứ, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) nhất trí với quy định tại dự thảo và cho rằng, việc tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với thực tiễn, xu thế hiện nay cũng như các nguyên tắc pháp luật và quy định về tố tụng hiện hành.
Tuy nhiên, theo luật hiện hành và thực tiễn hiện nay, một số trường hợp khi tòa án yêu cầu thu thập, giao nộp tài liệu liên quan đến một số cơ quan nhà nước và tổ chức còn gặp nhiều khó khăn. Nếu để đương sự tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến cơ quan, tổ chức này sẽ gặp khó khăn hơn nữa. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đề nghị bổ sung việc tòa án hỗ trợ đương sự trong việc xác minh, thu thập tài liệu do các cơ quan nhà nước, tổ chức đang lưu giữ, quản lý hồ sơ.
Tranh luận với ý kiến đại biểu về việc tòa án có nên chủ trì thực hiện thu thập chứng cứ hay không, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, “cần thiết quy định tòa án thực hiện thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo sự khách quan của vụ án để ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên”. “Sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân, để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn hay để thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân, không nên bỏ thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của tòa án”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Tuy nhiên, đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) cho rằng, thực tế hiện nay, khi các đương sự gửi đơn, đa phần việc thu thập chứng cứ đều dựa vào tòa án. Chính vì vậy đã nảy sinh ra một số hệ lụy như tình trạng nghi ngờ việc thu thập chứng cứ của thẩm phán khiến cho cá nhân và tổ chức “quên” nhiệm vụ cung cấp chứng cứ cho các đương sự, người dân. Việc này đã dẫn tới tình trạng các cơ quan, đơn vị lấy lý do khi tòa án yêu cầu mới cung cấp chứng cứ cho người dân.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, mỗi năm, ngành tòa án giải quyết khoảng 600 nghìn vụ án nhưng chỉ có gần 6.000 thẩm phán, không thể thu thập chứng cứ cho hàng trăm nghìn vụ án mỗi năm.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tòa án hỗ trợ người dân bằng các quyết định giao nộp chứng cứ mà các cơ quan nhà nước và tổ chức cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân. Nếu các bên không chấp hành lệnh của tòa án, sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành. “Điều nhân dân chờ đợi là phán quyết công tâm, khách quan, công bằng chứ không chờ việc thu thập chứng cứ, xét xử trên các chứng cứ do mình thu thập mà xem nhẹ chứng cứ của các bên khác”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.