Ngày 17/6, bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định), Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long), Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) đã trao đổi về các nội dung quy định trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Vũ Xuân Trường phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Về bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, đại biểu Vũ Xuân Trường hoàn toàn nhất trí với quy định của dự thảo bộ luật và cho rằng: Hiện tượng mớm cung, ép cung, dùng nhục hình trong thời gian qua tuy không nhiều nhưng đang là vấn đề nổi cộm. Do đó, cần thiết quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung.
Mặt khác, khi ra tòa, nhiều bị can, bị cáo khiếu nại bị ép cung, dùng nhục hình trong quá trình lấy lời khai nên mới khai báo như thế, nhưng thực ra bản chất không phải như vậy; làm cho cơ quan tố tụng rất nhức nhối về vấn đề này có hay không bị ép cung, nhục hình trong quá trình giam giữ, lấy lời khai, hỏi cung.
Cho nên, việc đặt máy ghi âm, ghi hình để làm minh bạch trong quá trình tiếp xúc, hỏi cung, gặp gỡ giữa người tiến hành tố tụng với bị can, bị cáo là rất cần thiết. Điều này vừa bảo đảm sự khách quan của bị can, bị cáo, đồng thời bảo vệ chính những người tiến hành tố tụng; làm cho quá trình hỏi cung minh bạch, trong sáng và vô tư. Cũng theo đại biểu này, muốn đạt được cái “lớn” thì nhất thiết phải trang bị máy ghi âm, ghi hình dù tốn kém đầu tư.
Ủng hộ quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng: Đây là một yếu tố có tác dụng tích cực trong việc chống lạm quyền, vi phạm những trình tự, thủ tục và áp dụng những biện pháp mà pháp luật không cho phép để bức cung, nhục hình đối với bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, tạm giam.
Tuy nhiên, thực hiện điều này được hay không đòi hỏi không chỉ việc bảo đảm thủ tục pháp lý, mà còn phải bảo đảm điều kiện vật chất. Do đó, dự thảo quy định những vụ việc lớn và chưa làm đại trà ở tất cả các vụ án là hợp lý. Bởi có những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng thì không nhất thiết phải bắt buộc ghi âm, ghi hình.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đồng tình với quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can và cho rằng: Việc sử dụng, ứng dụng công nghệ vào vấn đề này hoàn toàn phù hợp nhằm tăng tính công bằng, minh bạch trong các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và lấy lời khai của các bị can, bị cáo nói riêng. Điều này cũng rất quan trọng, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch của các cơ quan điều tra, vừa bảo đảm chống việc bức cung, nhục hình hoặc mớm cung để sử dụng lời khai đó làm chứng cứ buộc tội bị cáo.
Đối với quy định quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Theo đại biểu Vũ Xuân Trường, quy định như trong dự thảo bộ luật là phù hợp bởi bảo đảm quyền của bị can, bị cáo, người bị đưa ra xét xử, đồng thời chứng minh người phạm tội là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Tuy vậy, bộ luật cần khuyến khích bị can, bị cáo thành khẩn khai báo, nhận tội để giúp các cơ quan điều tra phát hiện, kết luận tội phạm một cách nhanh chóng, chứ không chỉ im lặng không nói gì.
Liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh hoàn toàn ủng hộ với quy định trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và cho rằng: Điều này hoàn toàn phù hợp, nhưng cần hiểu kỹ nội dung này để tránh việc bị cán, bị cáo không hợp tác với các cơ quan điều tra, dẫn tới những vụ việc giải quyết không dứt khoát.
Cũng theo đại biểu, nếu chỉ hiểu quyền im lặng là bị can, bị cáo không nói gì thì dẫn tới việc vụ án không được xem xét, giải quyết. Do đó, việc này phải xem xét, cân nhắc một cách thấu đáo để vừa đảm bảo quyền của người bị bắt, bị can, bị cáo, nhưng phải phù hợp với thực tiễn đấu tranh phóng chống tội phạm hiện nay.