Cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư

Tiếp tục Chương trình Kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 19/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Các đại biểu cho rằng, Quốc hội cần sớm ban hành Luật này để phù hợp với thông lệ quốc tế, giảm bớt gánh nặng cho đầu tư công; đồng thời đề nghị về việc dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định nhằm kiểm soát những rủi ro trong hoạt động đầu tư theo đối tác công tư, đảm bảo quyền lợi cho người dân, không gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn tạo ra được cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư.

Theo các đại biểu, đầu tư PPP là việc Nhà nước nhượng quyền thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quyền vận hành, quyền cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư đã được áp dụng trên thế giới đã từ lâu, nhiều quốc gia đã có những giải pháp tốt và rất sát với thực tế; nhà nước và nhà đầu tư cùng hợp tác và chia sẻ các quyền, nghĩa vụ, lợi ích, rủi ro trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.

Các đại biểu Quốc hội cho biết, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư, công khai, minh bạch, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực. Việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP là cần thiết, nhưng báo cáo thẩm tra cho rằng phải bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, chất lượng, gắn với chuyên môn, tiết kiệm cả về thời gian và chi phí cho các bên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, thủ tục.

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra cho rằng việc lựa chọn nhà đầu tư phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế. Do đó, các đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo luật cũng như rà soát quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các nội dung khác có liên quan...

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; cho rằng việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác này. Cơ chế mới này cũng góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Một số ý kiến cho rằng, cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra Tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội.

Theo Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, kết quả tổng kết thí điểm cho thấy, việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Vì đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phù hợp.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều bất cập trong công tác giám định như quy trình chưa đầy đủ, vấn đề xã hội hóa giám định chưa đạt yêu cầu, việc trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế hoặc cơ quan trưng cầu không cung cấp văn bản kịp thời cho cơ quan giám định… 

TTXVN/Báo Tin tức
Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư tuy hơi muộn nhưng rất cần thiết
Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư tuy hơi muộn nhưng rất cần thiết

Sáng 19/11, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN