Kiểm soát rủi ro, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư​

Sáng 19/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Các đại biểu cho rằng Quốc hội cần sớm ban hành Luật này để phù hợp với thông lệ quốc tế, giảm bớt gánh nặng cho đầu tư công; đồng thời đề nghị về việc dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định nhằm kiểm soát những rủi ro trong hoạt đồng đầu tư theo đối tác công tư, đảm bảo quyền lợi cho người dân, không gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn tạo ra được cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư.

Cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), việc áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư ở Việt Nam là đã muộn nhưng vẫn kịp thời nếu được triển khai hiệu quả, minh bạch. Theo đại biểu, điều quan trọng hiện nay là làm sao để ban hành được một bộ luật với những điều khoản, quy định cụ thể, khoa học vì trong thời gian qua đã xảy ra nhiều bất cập trong hoạt động đầu tư theo hình thức này, điển hình như cách thức, thời gian và mức thu phí trong các dự án BOT vẫn chưa xác định được rõ ràng; các công trình công sau khi đã khai thác xong và bàn giao nhưng không đảm bảo giá trị, thường xảy ra hư hỏng, mất giá trị. Đại biểu cho rằng dự thảo Luật phải có những quy định rõ ràng, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, không gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư.

Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Nhà nước cũng cần có những quy định thông thoáng, không chỉ tạo sự hấp dẫn cho các tập đoàn lớn mà còn thu hút cá nhân đầu tư vào hoạt động cung cấp các dịch vụ công. "Cần khuyến khích toàn dân, kể cả đảng viên, cán bộ có tiền chưa dùng đến nên đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi cho đất nước", đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư thời gian qua đã góp phần quan trọng trong phát triển các công trình lớn của đất nước; có hơn 300 dự án, huy động hơn 1 triệu tỷ đồng vào đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng.

Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có những quy định cụ thể, chặt chẽ về mặt pháp lý trong hoạt động này, vì vậy việc ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đại biểu cho rằng quy mô tổng mức đầu tư của dự án theo quy định trong dự thảo Luật không thấp hơn 200 tỷ đồng là không hợp lý, cần thay đổi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia nhiều hơn vào các dự án của đất nước.

Theo các đại biểu, đầu tư PPP là việc Nhà nước nhượng quyền thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quyền vận hành, quyền cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư đã được áp dụng trên thế giới đã từ lâu, nhiều quốc gia đã có những giải pháp tốt và rất sát với thực tế; nhà nước và nhà đầu tư cùng hợp tác và chia sẻ các quyền, nghĩa vụ, lợi ích, rủi ro trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.

Các dự án PPP sẽ có các loại hợp đồng cơ bản theo 3 nhóm: thu phí từ người sử dụng; nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ; đổi nguồn lực công lấy công trình. Đối với các dự án đầu tư công được bố trí vốn trong dự án PPP, Chính phủ kiến nghị sẽ hình thành Quỹ phát triển dự án PPP và hình thành dòng ngân sách riêng. Các doanh nghiệp triển khai dự án PPP sẽ được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thứ cấp nhưng không được phát hành cổ phiếu đại chúng.

Kiểm soát rủi ro thông qua hoạt động kiểm toán

Băn khoăn về những rủi trong trong việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng nói đến PPP là nói đến hợp đồng, sự tự  nguyện, hợp đồng kinh tế thỏa thuận giữa nhà nước và chủ đầu tư. Đó là cơ chế lời ăn lỗ chịu đúng theo nguyên tắc thị trường, trước khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư phải hình dung ra hai yếu tố là lợi nhuận và rủi ro, lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Về việc dự thảo Luật cho phép chủ đầu tư tăng phí, tăng giá dịch vụ, cho phép nhà đầu tư kéo dài thời hạn thu phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của ngươi dân, đại biểu thành phố Hà Nội cho rằng Nhà nước khi đưa ra quy định này thì cần xem xét phản ứng của người dân ở tại một số trạm thu phí đối vơi một số dự án PPP trong thời gian qua.

Đại biểu đặt câu hỏi: Vì theo dự thảo Luật quy định các dự án được chia sẻ rủi ro là những dự án quy mô lớn, trọng điểm, nhà nước chia sẻ 50% rủi ro thì chia sẻ bằng hình thức nào, lấy nguồn ở đâu? Khi tác động đến nợ công thì sẽ xử lý như thế nào?.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng lưu ý, theo quy định tại dự thảo Luật, chưa đưa ra căn cứ, tiêu chí để xác định mức độ rủi ro hay xác định cơ quan có trách nhiệm xác định rủi ro. Theo quy định, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán đầu tư công mà không phải toàn bộ dự án cũng sẽ là nguyên nhân tạo ra bất cập vì không thể xác định toàn bộ rủi ro của dự án nếu chỉ kiểm toán một phần vốn dự án. "Bộ Tài chính có phải là cơ quan chịu trách nhiệm về tính chính xác trung thực trong việc xác minh của rủi ro không? Đây cũng là điều chưa dược làm rõ", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu nêu rằng theo dự thảo Luật, trong trường hợp lợi nhuận tăng thêm, nhà đầu tư chia sẻ cho Nhà nước, nhưng 22 năm qua, kể từ khi áp dụng cơ chế PPP đến nay chưa có trường hợp nào nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với Nhà nước, nhưng thực tế cũng cho thấy, Nhà nước vẫn đang chi trả những khoản nợ trong một số hợp đồng BOT. Nhấn mạnh, đây là một trong những điều mà cử tri cả nước đang băn khoăn, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thận trọng trong việc bổ sung quy định này trong dự Luật.

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) khẳng định: Theo quy định trong dự thảo Luật, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán phần vốn của Nhà nước trong dự án như đầu tư các công trình phụ lợi, hỗ trợ tái định cư... theo đại biểu là không hợp lý vì như vậy rất khó quản lý những rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.

Cho rằng đây là việc được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua nhưng lại chưa được đưa vào trong dự thảo Luật, bà Hà Thị Lan khẳng định, tài sản hình thành từ các dự án là tài sản công nên phải được quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định và phải thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước.

"Việc để Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án PPP giúp cho Nhà nước có thêm kênh giám sát hiệu quả hơn và chắc chắn không làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư", đại biểu nhấn mạnh.

Các đại biểu Quốc hội cho biết, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư, công khai, minh bạch, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực.

Việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP là cần thiết, nhưng báo cáo thẩm tra cho rằng phải bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, chất lượng, gắn với chuyên môn, tiết kiệm cả về thời gian và chi phí cho các bên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, thủ tục.

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra cho rằng việc lựa chọn nhà đầu tư phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế. Do đó, các đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo luật cũng như rà soát quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các nội dung khác có liên quan...

Đỗ Bình (TTXVN)
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thông cáo báo chí số 21
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thông cáo báo chí số 21

Ngày 18/11/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 21 tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN