Lần này, phương thức chất vấn thay đổi so với các kì họp trước khi Bộ trưởng phải trả lời từng nhóm 3 câu hỏi của 3 đại biểu trong thời gian 9 phút.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), đổi mới như vậy là rất phù hợp: "Một đại biểu hỏi 1 phút, 3 đại biểu 3 phút. Bộ trưởng có 9 phút trả lời, đòi hỏi Bộ trưởng phải đi thẳng vào vấn đề. Đại biểu hỏi gì thì Bộ trưởng trả lời nấy. Vấn đề gì mà Bộ trưởng chưa nắm được số liệu để trả lời ngay thì có thể trả lời bằng văn bản. Chứ nếu cứ trả lời không rõ thời gian để Bộ trưởng tranh thủ báo cáo thành tích của mình hay "câu giờ" thì không nên", bà Thúy nhận xét.
Theo vị Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chất vấn như thế thì Quốc hội đều biết, cử tri đều biết, Chính phủ đều biết. Vấn đề được đưa lên bàn nghị sự sẽ được giải quyết sốt sắng hơn. Nếu cứ trả lời bằng văn bản thì chỉ người hỏi và thành viên Chính phủ biết và thành viên Chính phủ có thể "ngâm" lâu hơn. Chất vấn chính là hình thức giám sát hiệu quả nhất của Quốc hội.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau)
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng với cách làm mới, người chất vấn phải hỏi đúng vào trọng tâm, không hỏi quá dài, nếu hỏi lan man ra ngoài vấn đề thì người trả lời chất vấn có thể trả lời bằng văn bản. Còn về phía người trả lời chất vấn phải bao quát hết lĩnh vực mình quản lý mới có thể trả lời được 3 người trong vòng 9 phút.
Theo đại biểu Hoàng, việc trả lời có nắm chắc vấn đề hay không cũng giúp các đại biểu và cử tri đánh giá người trả lời chất vấn. Đặc biệt, đây là cơ sở để các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm các Bộ trưởng sau này.
Có một số ý kiến băn khoăn vì chỉ có 4 Bộ trưởng đăng đàn lần này, trong khi nhiều vấn đề nóng trong xã hội được cử tri quan tâm lại thuộc các lĩnh vực khác. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng việc trả lời chất vấn trước Quốc hội chỉ là một trong nhiều cơ sở để đánh giá năng lực các Bộ trưởng.
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk)