Bí thư Thị ủy Ngã Năm Trần Văn Việt nêu rõ, Chiến thắng Chi khu Ngã Năm mang ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá. Từ những năm 50 của thế kỷ XX, sau khi thay chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã thiết lập một bộ máy quân sự, cảnh sát khổng lồ và tiến hành đàn áp dã man đồng bào ta ở miền Nam. Tại Ngã Năm, nơi có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về mặt quân sự và kinh tế, Mỹ - Ngụy xây dựng Chi khu quân sự Ngã Năm kiên cố, có tính quan trọng về chiến lược, tăng cường lực lượng và phương tiện chiến tranh để đánh phá, kìm kẹp.
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy, Tỉnh ủy, quân và dân huyện Thạnh Trị - Ngã Năm đã nhiều lần tổ chức tấn công bức rút, bức hàng nhiều đồn bốt của địch; giữ vững trận địa; giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, căn cứ cách mạng, tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch; thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng của địch; liên tục tấn công địch, trong đó có nhiều lần giải phóng Chi khu Ngã Năm và giành thắng lợi cuối cùng vào năm 1975.
Theo ông Lâm Tấn Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, Chiến thắng Chi khu Ngã Năm để lại rất nhiều bài học giá trị và ý nghĩa trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; là kết quả của quyết tâm, biết kết hợp nhuần nhuyễn phương thức chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực Khu, là đỉnh cao nghệ thuật quân sự, của đường lối chiến tranh của nhân dân.
Chiến thắng Chi khu Ngã Năm còn khẳng định sự trưởng thành của Đảng bộ, dân và quân Sóc Trăng nói chung, Ngã Năm - Thạnh Trị nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua đó khơi dậy lòng tự hào của dân tộc, phát huy tinh thần bất khuất, kiên cường, quyết tâm thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác của cán bộ, đảng viên, quân và dân tỉnh Sóc Trăng, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử với tinh thần khách quan, khoa học, đã phân tích làm rõ những nội dung chủ yếu về tính chất trọng yếu của Chi khu Ngã Năm trong việc đánh phá, kìm kẹp nhân dân của kẻ thù; làm rõ sự chủ động và quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng, Huyện ủy Thạnh Trị trong các trận đánh tiêu diệt, bao vây, bức rút, bức hàng Chi khu Ngã Năm; làm rõ vai trò của lực lượng vũ trang Quân khu 9 trong các trận tiến công Chi khu Ngã Năm vào năm 1962, 1967 và 1972, vấn đề nghệ thuật quân sự trong các trận đánh. Đặc biệt là nghệ thuật “hai chân, ba mũi”, nghệ thuật xây dựng pháo đài, nghệ thuật “bao vây - đánh lấn”; phân tích mốc thời gian trong những lần tấn công Chi khu Ngã Năm.
Kết luận Hội thảo, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng, Chiến thắng Chi khu Ngã Năm là sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sóc Trăng nói chung và Đảng bộ, quân và dân huyện Thạnh Trị - Ngã Năm nói riêng. Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp những cứ liệu lịch sử quan trọng để bổ sung, chỉnh lý tái bản lịch sử Đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng, các bài tham luận, các ý kiến thảo luận đã phân tích làm rõ tính chất quan trọng, đặc điểm tình hình địch ở Chi khu Ngã Năm trong việc đánh phá, kìm kẹp nhân dân; sự chủ động, sáng tạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng, của Huyện ủy Thạnh Trị cũng như sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt nghệ thuật quân sự qua từng trận đánh quân quân và dân tỉnh Sóc Trăng. Hội thảo làm rõ hơn vai trò của lực lượng vũ trang Quân khu 9 trong các trận tiến công Chi khu Ngã Năm; phân tích ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm của chiến thắng Chi khu Ngã Năm; giải quyết được một số vấn đề còn những ý kiến khác nhau...