Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo và hành động với mục tiêu biến các giải pháp thành hiện thực, đưa các mục tiêu kế hoạch thành những kết quả cụ thể trên thực tiễn. Diễn đàn VDF lần này có mục tiêu góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
“Với cách tiếp cận đổi mới của Diễn đàn VDF 2016, chúng tôi muốn lắng nghe các chuyên gia hàng đầu về quốc tế trình bày cùng với các ý kiến thảo luận và những khuyến nghị xung quanh một số nội dung chủ yếu mà Chính phủ Việt Nam đang quan tâm, cần tham vấn. Từ đó, sẽ giúp các cơ quan của Việt nam định hình được những tham mưu hiệu quả đối với Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ xem xét, có những quyết sách chính xác, đem lại hiệu ứng tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2016 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng là năm khởi đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng khích lệ: Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,3 - 6,5%, kiềm chế lạm phát không quá 5%, dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục, mặt bằng lãi suất đã ổn định trở lại, lãi suất cho vay của một số tổ chức tín dụng ổn định…
Trong bối cảnh quốc tế năm 2017 được cho là rất khó tiên lượng, trong nước cũng còn nhiều thách thức, nhất là khi những năm tiếp theo là giai đoạn phải tăng tốc của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để đạt được những mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong trung và dài hạn thì phải giải quyết được một loạt những vấn đề liên quan đến thể chế thị trường; động lực phát triển; nguồn lực đầu tư; tạo thêm các dư địa về chính sách, nhất là chính sách tài khóa…
Đồng thời giải quyết những vấn đề trước mắt nhưng cũng phải đảm bảo được định hướng lâu dài trong các chính sách phát triển, giữ được ngọn lửa đổi mới và kiên định với chính sách lớn về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng chủ tọa diễn đàn cho biết, đây là sự kiện hết sức quan trọng và hy vọng VDF 2016 sẽ chia sẻ được những vấn đề quan trọng của Việt Nam. Giám đốc WB chia sẻ, Việt Nam đã đạt được 5 năm tăng trưởng kinh tế vĩ mô liên tục. Bất chấp những rào cản của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng liên tục đạt ở mức 6%, một mức tăng trưởng cao ở toàn cầu và khu vực.
Để đạt được các mục tiêu trong thời gian tới, theo ông Ousmane Dione, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế thị trường cũng như cách tiếp cận mang tính thị trường. Cần đặt mục tiêu đối với kế hoạch tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 là đem lại lợi ích lớn cho người dân. Thêm vào đó, những nguồn ODA cần được sử hiệu quả hơn, làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tư nhân.
“Với những cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển toàn diện của Việt Nam, với hành động mạnh mẽ Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đầy tham vọng. Các đối tác sẽ hỗ trợ Việt Nam các kiến thức, kinh nghiệm và những thực tiễn tốt nhất và VDF sẽ đi đầu trong vấn đề này”, ông Ousmane Dione tin tưởng.
Diễn đàn phát triển Việt Nam 2016 là một cách tiếp cận mới trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng các đối tác phát triển tại Việt Nam. Phương thức tiếp cận này dựa trên nền tảng kế thừa và phát triển mô hình Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) và Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF).