Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải về đổi tên gọi Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ thành Trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ nhằm “thống nhất tên gọi phù hợp, đơn giản, dễ hiểu, được người dân, doanh nghiệp đồng tình chấp thuận”.
Cụ thể các dự án đường sẽ được gọi tên là Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Km (lý trình) Quốc lộ (tên Quốc lộ); Dự án cầu gọi là Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cầu (tên cầu) Km (lý trình) Quốc lộ (tên Quốc lộ); Dự án hầm là Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hầm (tên hầm) Km (lý trình) Quốc lộ (tên Quốc lộ).
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tên gọi đã được sử dụng từ khi có cơ chế thu phí sử dụng đường bộ, phù hợp với quy định tại Điều 51 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Trạm thu phí là nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ, được xây dựng theo quy hoạch hoặc dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt); phù hợp với thói quen của người tham gia giao thông, được xã hội chấp nhận.
Tên gọi “trạm thu phí” ở đây được hiểu là nơi thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được điều hành theo Luật Giá.
Thời gian vừa qua thuật ngữ thu phí BOT và thu giá BOT đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Tại buổi trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sáng 4/6/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ động nói về sự đổi tên của trạm “thu giá BOT”. Tiếp thu ý kiến của cử tri, dư luận xã hội, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo rà soát để thay đổi tên mới phù hợp.
Theo thông tin từ Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay, cả nước có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ; trong đó Bộ Giao thông Vận tải quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu phí, 17 trạm chưa tiến hành thu phí), còn lại 15 trạm (11 trạm đang thu phí và 4 trạm chưa thu phí) do UBND các tỉnh quản lý.