Trạm thu giá BOT Biên Cương được đặt ở Km53+450 và K156+985 trên quốc lộ 18, thuộc địa phận thành phố Cẩm Phả. Ảnh: Văn Đức/TTXVN |
Thưa Bộ trưởng, căn cứ vào quy định nào để chuyển tên gọi từ trạm thu phí sang gọi là trạm thu giá như hiện nay?Lý do chuyển tên từ trạm thu phí sang trạm thu giá là do quy định của Nghị định 149/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giá quy định thẩm quyền và trách nhiệm định giá của Bộ Giao thông vận tải. Phí thì liên quan đến Hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định. Còn giá là dịch vụ của một doanh nghiệp cung cấp. Đây là sản phẩm của doanh nghiệp thì sẽ được điều chỉnh cho hợp lý.
Khi chuyển qua giá thì mình mới thực hiện được việc giảm giá sao cho cân đối được phương án tài chính của từng dự án. Chứ nếu coi đó là phí thì phải thông qua các bộ, ngành… mất nhiều thủ tục và thời gian hơn. Đây là cơ chế của Chính phủ. Điều này không khác gì cả, khi mình chuyển sang thu giá sẽ linh động hơn rất nhiều.
Dư luận cho rằng khi Bộ Giao thông Vận tải dùng thuật ngữ “thu giá” thay cho thu phí là đánh tráo khái niệm, Bộ trưởng có bình luận gì về vấn đề này?Bộ Giao thông Vận tải chuyển sang dùng thuật ngữ trạm thu giá thay thế cho thuật ngữ trạm thu phí tại các trạm BOT là do quy định của Nghị định. Ví dụ một sản phẩm nhà máy làm ra, họ có quyền ấn định giá. Dự án BOT cũng là sản phẩm của doanh nghiệp, thì khi đó sản phẩm này thuộc đối tượng của Nghị định quy định, Bộ Giao thông Vận không tự đặt ra.
Vậy giá ở đây cụ thể là giá qua trạm BOT có căn cứ theo quy luật thị trường không, thưa Bộ trưởng?Sản phẩm nào cũng phải đem lại hiệu quả kinh doanh. Một dự án BOT thì dĩ nhiên nhà nước và nhà đầu tư bỏ vốn ra, căn cứ vào phương án hoàn vốn của doanh nghiệp. Nhà nước cố gắng điều chỉnh cho đến mức thấp nhất để hài hòa cho các bên, có lợi cho xã hội.
Hiện nay trạm thu giá nào có điều kiện là Bộ Giao thông Vận tải thực hiện việc giảm đến mức thấp nhất, dĩ nhiên cần phải tuân theo quy luật thị trường. Doanh nghiệp nào cũng phải tính toán giá thành để thu hồi vốn. Ví dụ giống tôi bỏ tiền gửi ngân hàng thì tôi cũng phải nhận được lãi suất.
Thưa Bộ trưởng, vậy các doanh nghiệp tham gia dự án BOT có quyền tự đẩy giá không hay phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền?Về nguyên tắc, sản phẩm đó của doanh nghiệp nhưng mình có điều tiết theo thị trường. Tại sao Chính phủ họp, các bộ ngành họp, Quốc yêu cầu xem xét các dự án BOT ? Tức là mình điều tiết hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể nếu anh đã ký hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải, khi đó Bộ phải có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và xã hội cũng thống nhất được giá hợp lý nhất. Nên có những trạm BOT là mình giảm từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng/xe/lượt. Bây giờ Nghị định thay đổi thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ điều chỉnh theo yêu cầu của Chính phủ.
Trong trường hợp doanh nghiệp muốn tăng giá BOT, thì doanh nghiệp phải ngồi lại bàn bạc với Bộ. Khi nào tính toán chi phí hài hòa thì Bộ mới chấp thuận.
Thưa Bộ trưởng làm thế nào giám sát được việc thu phí tại các trạm thu giá đảm bảo công khai, minh bạch?
Sắp tới khi triển khai công nghệ thu phí tự động tại các trạm thu giá. Mỗi một trạm thu giá sẽ có một trung tâm công nghệ. Tại trung tâm này tất cả các đối tượng từ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước đều có thể thực hiện được việc giám sát nguồn thu hàng ngày, hàng tháng và hàng năm.
Ngoài ra, dữ liệu này cũng được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để cơ quan này kiểm soát việc thu giá này. Việc này giúp cho việc thu chi được đảm bảo công khai minh bạch. Đảm bảo người dân có thể giám sát được hoạt động thu giá thông qua các thiết bị điện tử chính xác cao.
Bộ Giao thông Vận đang khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định 07/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Phấn đấu cuối năm nay vận hành thu phí tự động trên các cao tốc, các quốc lộ, đặc biệt là Quốc lộ 1 và đường Hồ chí Minh qua Tây Nguyên. Sang năm 2019 sẽ thực hiện thu phí tự động trên toàn bộ các tuyến quốc lộ khác trên toàn quốc.
Bên cạnh việc đảm bảo công khai minh bạch tại các trạm thu giá, việc áp dụng thu phí tự động không dừng sẽ tạo điều cho dòng xe đi qua các trạm thu giá được thông suốt, nhanh chóng. Khi đó lái xe có thể chạy được từ 40 - 50 km/h thay vì phải dừng lại khi qua trạm thu giá như hiện nay.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!