Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Quan chức cấp cao (SOM) Việt Nam, Tổng Thư ký Ủy ban ASEAN Quốc gia 2020, đã trao đổi với báo chí về kết quả và những nội dung liên quan đến Hội nghị.
Xin Thứ trưởng đánh giá kết quả đạt được của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan?
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp về mặt tổ chức, kỹ thuật cũng như quá trình truyền tải thông tin. Chúng ta đã đạt được những mục tiêu đặt ra; trong đó tất cả những sáng kiến, đề xuất, ưu tiên của cả năm đều được thể hiện trong cuộc họp lần này và đã được các nhà lãnh đạo thông qua, phê chuẩn. Điều hết sức phấn khởi là trong những lĩnh vực được thông qua có nội dung xây dựng cộng đồng ASEAN, công tác ứng phó với COVID-19 và những bước phục hồi của các nước ASEAN.
Những vấn đề Việt Nam đặt ra cho chương trình nghị sự được hoàn thành và nhận được hưởng ứng rất mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo trong ASEAN cũng như các nhà lãnh đạo các nước đối tác với ASEAN.
Các nước ASEAN đánh giá thế nào về kết quả của những sáng kiến, đề xuất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và cả năm ASEAN 2020, thưa Thứ trưởng?
Ngay từ đầu, các nước đánh giá chủ đề mà Việt Nam đưa ra rất chính xác và đã trở thành một thương hiệu của ASEAN, đó là một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Các nước cũng cho rằng những ưu tiên Việt Nam đặt ra cho xây dựng cộng đồng ASEAN là rất thỏa đáng, phù hợp. Khi Việt Nam chuyển trọng tâm sang ứng phó với COVID-19 và các biện pháp hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nước ASEAN và các đối tác đều đánh giá việc này là chính xác và hưởng ứng rất mạnh mẽ đề xuất này của Việt Nam.
Nhờ đó, những sáng kiến như: Quỹ ASEAN ứng phó dịch COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực hay Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi đều được các nước hưởng ứng và đóng góp rất nhiệt tình.
Việt Nam đã nỗ lực như thế nào để hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 trong một năm đầy khó khăn và thách thức, thưa Thứ trưởng?
Tất cả đã hết sức cố gắng. Ngay từ đầu năm, dịch COVID-19 xảy ra khiến chúng ta phải thay đổi nhiều kế hoạch, đồng thời tìm cách tạo sức thuyết phục cho các nước trong khu vực. Khi chuyển đổi hình thức họp đều có sự hoài nghi, không biết liệu có làm được không trong một bối cảnh phức tạp như vậy. Thêm nữa, trong bối cảnh các nước đều đang bận tâm chống lại dịch bệnh và ngăn ngừa tác động của nó trong khuôn khổ quốc gia thì liệu các công việc về xây dựng cộng đồng còn phù hợp nữa hay không? Hay như các vấn đề về hòa bình, ổn định có còn thích hợp để bàn thảo lúc này không khi người dân vẫn tiếp tục nhiễm bệnh hoặc tử vong. Đó là những thách thức đặt ra cho Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Tuy nhiên, Việt Nam đã thuyết phục được các nước bạn bằng những hành động, việc làm cụ thể.
Từ những cuộc họp, những diễn biến đầu tiên, Việt Nam đều chứng tỏ được rằng mọi việc đều có thể thực hiện được, kể cả những vấn đề "không tưởng" như việc ký kết hay những vấn đề cần phải có sự giao dịch trực tiếp như việc thỏa thuận giữa các nước... Việc này không chỉ nhờ những nỗ lực cố gắng mà còn đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn.
Xin Thứ trưởng cho biết về tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và những kỳ vọng trong năm tới?
Về COC, quyết tâm của các nước ASEAN và Trung Quốc đều rất mạnh. Tất cả đều mong muốn sớm có được một bộ quy tắc ứng xử để sau đó điều tiết, bảo đảm có quy định để tiến hành chi phối các hành vi của các nước ở khu vực Biển Đông, một khu vực hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, việc thương lượng trước hết bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cùng với đó, các bên đều mong muốn nội dung thương lượng này được thực hiện thông qua gặp trực tiếp. Do đó, cho đến nay, không có một cuộc đàm phán thực chất nào về COC nên cũng khó có thể nói được khi nào văn bản này có thể hoàn thiện. Chúng ta đều muốn đẩy nhanh tiến trình này nhưng còn phụ thuộc vào thiện chí cũng như lập trường của các bên.
Xin Thứ trưởng cho biết bước đi sắp tới trong việc xây dựng các hành lang đi lại khu vực ASEAN?
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành như hiện nay, việc đầu tiên các nước nghĩ đến đối với việc phục hồi là sự di chuyển, đi lại của người dân, doanh nghiệp để những công việc thiết yếu được bảo đảm. Do đó, các nước đều nhận thấy sự cần thiết khi vấn đề này được nêu ra. Các nước đều thể hiện quyết tâm bằng sự nhất trí cao của các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng đây mới chỉ là định hướng và các nguyên tắc, việc thực hiện còn phải phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Mặc dù khuyến khích bảo đảm việc đi lại nhưng các nhà lãnh đạo cũng nhắc nhở rằng ưu tiên số 1 phải là an toàn, bảo đảm được sức khỏe và chống dịch bệnh. Điều này phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, thêm nữa là sự sẵn sàng của từng nước. Do đó, khó có thể nói khi nào ASEAN có thể triển khai được các hành lang đi lại, nhưng chúng ta có thể khẳng định, quyết tâm của các nước là rất cao.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.