Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu ASEAN của Viện các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) - bà Jessica Wa’u đã nhận định như vậy khi RCEP được ký kết ngày 15/11 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Singapore, bà Jessica Wa’u cho rằng việc ký kết RCEP là đặc biệt ấn tượng sau 8 năm đàm phán. RCEP là dấu mốc quan trọng đối với ASEAN khi dẫn đầu hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này, đồng thời đưa khu vực xích lại gần nhau hơn về thương mại. RCEP là một báo hiệu rằng ASEAN muốn làm việc với các quốc gia khác và tăng cường hội nhập kinh tế, kể cả sau năm 2020 đầy biến động.
Một thành tựu ấn tượng khác của ASEAN trong năm 2020 là khả năng tập hợp những nỗ lực tập thể trong xử lý đại dịch COVID-19. Điều này đã được thể hiện rõ trong việc liên lạc và chia sẻ thông tin thường xuyên trong khối thông qua các nền tảng như Trung tâm ảo Biodiaspora của ASEAN (ABVC). Và giờ đây sẽ có những nỗ lực chung để các nước ASEAN cùng nhau phục hồi sau đại dịch thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF).
Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong việc linh hoạt tổ chức các hội nghị dưới hình thức trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19, bà Jessica Wa’u nhận định các cuộc họp trực tuyến đã rất hữu ích và cần thiết trong một năm mà các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách của ASEAN không thể gặp nhau trực tiếp. Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt với tư cách Chủ tịch ASEAN trong việc triệu tập các hội nghị cấp cao trực tuyến trong năm qua.
Theo bà Jessica Wa'u, trong tương lai, ASEAN có thể chuyển một số cuộc họp của khối sang hình thức trực tuyến hoặc có thể kết hợp giữa các cuộc họp trực tuyến và trực tiếp.
Cũng đề cập RCEP, chuyên gia Cassey Lee, một thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, đánh giá việc ký kết hiệp định này là một sự kiện quan trọng đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ gây ra tác động lâu dài và những bất định sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Lee nhận định thương mại là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với các nước thành viên RCEP. Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra chậm chạp ở nhiều nước, thỏa thuận này sẽ mang lại cho các bên tham gia nhiều cơ hội thương mại và đầu tư hơn.
Trong khi đó, bình luận về RCEP, nhật báo Nikkei của Nhật Bản cho rằng hiệp định này sẽ tạo ra một khuôn khổ thương mại tự do khổng lồ, giúp thúc đẩy tăng trưởng của các nước thành viên sau đại dịch COVID-19. Thỏa thuận này gồm 20 chương về các quy tắc bao trùm, từ thương mại hàng hóa, đầu tư và thương mại điện tử tới sở hữu trí tuệ và mua sắm công. Mục tiêu của RCEP là tăng sự tương tác kinh tế dựa trên các quy tắc giữa các nước thành viên.