Đến 21 giờ ngày 15/10, mưa lũ đã làm 649 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 150.5 nhà bị ngập, 1 điểm Quốc lộ, 33.639m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng, 900ha lúa, 5.514ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.978ha thủy sản bị thiệt hại; 445.708 con gia súc, gia cầm bị chết hoặc bị cuốn trôi.
Ngày 15/10 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện về việc cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Tiểu khu 67 và Thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Bộ trưởng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp đi kiểm tra chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai; hai đoàn công tác của Văn phòng Thường trực được cử đi đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Đến 19 giờ 30 phút ngày 15/10, lực lượng cứu hộ đã tìm được tất cả 13 thi thể cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ của Đoàn công tác hy sinh tại khu vực Trạm Quản lý bảo vệ rừng 67 và một thi thể công nhân của Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế). Trong đó có thi thể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; các đơn vị Quân khu 4, 5, Bộ đội Biên phòng đã huy động 9.607 người, 267 phương tiện phối hợp với các lực lượng của địa phương tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ, bão.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố đã tổ chức di dời, sơ tán dân cư tại các vùng trũng, thấp, ngập sâu; cho học sinh nghỉ học; huy động các lực lượng tìm kiếm người mất tích; thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn và chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả.
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố miền Bắc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; điều hành hệ thống hồ chứa, nhất là 4 hồ chứa lớn: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, đảm bảo an toàn công trình và hạ du; thu hoạch lúa đã chín, tiếp tục tiêu nước đệm đề phòng mưa lớn.
Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo tại các Công điện của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo; tiếp tục công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người chết, người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất; rà soát, đánh giá thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các địa phương thuộc khu vực này triển khai đánh dấu vết lũ tại các điểm bị ngập sâu, lũ lịch sử. Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát việc vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương và Vu Gia - Thu Bồn; khắc phục hai đoạn còn ách tắc giao thông tại nhánh Tây đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 49 vào Thừa Thiên - Huế (các quốc lộ khác và đường sắt đã thông tuyến). Các địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan; tổ chức rút kinh nghiệm công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn trong đợt mưa lũ.
Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung triển khai ngay các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trong đó tập trung vào việc tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển trú, tránh áp thấp nhiệt đới và tại các khu neo đậu, tránh để lặp lại các sự cố về tàu, thuyền những ngày vừa qua, đặc biệt lưu ý tàu vận tải, neo đậu nơi cửa sông khi có lũ. Cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, khi có bão vào không được để người trên tàu. Kiểm tra khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở, lũ quét kể cả các khu đô thị (như Khánh Hòa, Bình Định).
Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 6.500 tấn gạo (Quảng Bình 3.000, Quảng Trị 1.500, Thừa Thiên- Huế 1.000, Quảng Nam 1.000); 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị 1,5, Thừa Thiên Huế: 2,0, Quảng Nam: 2,0); 20.000 thùng mỳ tôm (Thừa Thiên - Huế 10.000; Quảng Nam 10.000). Ngoài ra, các tỉnh còn đề nghị cấp các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã tổ chức sơ tán 21.785hộ/66.569 người, trong đó: Quảng Bình 801 hộ/2.694 người, Quảng Trị 7.9hộ/23.029 người, Thừa Thiên-Huế 11.608hộ/35.435người, thành phố Đà Nẵng 901 hộ/3.036người, Quảng Nam 533 hộ/1.677người; Quảng Ngãi 253 hộ/698 người.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổng hợp nhu cầu và có văn bản số 145/TWPCTT ngày 14/10 gửi các Bộ ngành liên quan đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.