Nhân dịp đầu Xuân năm mới Quý Mão 2023, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận về những định hướng và bứt phá để Ninh Thuận phát triển.
Để hoàn thành được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ninh Thuận đã có những đột phá gì, thưa đồng chí?
Để hoàn thành được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023, Ninh Thuận tiếp tục phát động các phong trào thi đua phát triển sâu rộng, đa dạng đến tận cơ sở để mang lại hiệu quả cao.
UBND tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện các khâu đột phá về kinh tế biển, du lịch và phát triển năng lượng tái tạo; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thi đua giải quyết tốt các vấn đề xã hội mà trọng tâm là giảm nghèo bền vững, phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền vùng biển; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 10 - 11%; GRDP bình quân đầu người đạt 87 - 88 triệu đồng; thu ngân sách đạt 3.658 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.200 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 1,5 - 2%...
Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua chuyên đề đã phát động gắn với phong trào thi đua thường xuyên, theo đợt tạo ra phong trào rộng khắp toàn tỉnh, nhất là các phong trào “Doanh nghiệp Ninh Thuận hội nhập và phát triển”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân chung sức xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp”, “Phong trào thi đua Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... và các phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải cách hành chính... với mục tiêu đưa tỉnh Ninh Thuận phát triển nhanh, bền vững.
Song song đó, UBND tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2021 - 2025, nhất là các mô hình mới, nhân tố mới từ phong trào thi đua… Đây là nhiệm vụ được tỉnh xác định là trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng; trong đó chú trọng thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - Bồi dưỡng - Tổng kết - Nhân rộng; tổ chức sơ, tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến gắn với sơ kết, tổng kết đợt thi đua của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ thường xuyên đôn đốc kiểm tra, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương và kết quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động. Thông qua việc kiểm tra, kịp thời kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hạn chế sai sót ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện, lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, dẫn đầu các phong trào thi đua để biểu dương, tôn vinh khen thưởng.
Đồng thời, tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra việc thực thi pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng và các phong trào thi đua chuyên đề đã phát động; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Vậy tỉnh đã có những định hướng chiến lược gì trong ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2025 - 2030, thưa đồng chí?
Năm 2023 cũng là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV. Ninh Thuận xác định đây là năm rất quan trọng, bởi trong hai năm 2021 và 2022, các địa phương bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Với bối cảnh tình hình chung của đất nước, Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực, vượt qua những khó khăn, nhất là khi cả nước đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19, thực hiện tốt những quyết sách mà Chính phủ đề ra với sự định hướng và giải pháp tích cực, quyết liệt.
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và sự điều hành của Chính phủ trong năm 2022 cả nước nói chung, Ninh Thuận nói riêng bước đầu đạt được những kết quả rất tích cực. Đây là điều kiện cơ bản và cũng tạo cơ sở thuận lợi cho đất nước, trong đó có Ninh Thuận tiếp tục đà phát triển trong năm 2023.
Với tình hình chung như các địa phương trên cả nước, năm 2022 tỉnh Ninh Thuận đã từng bước vượt qua khó khăn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng là khai thác những ngành kinh tế động lực, tiềm năng và lợi thế của tỉnh đã được phát huy trong thời gian qua.
Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận mong muốn Quy hoạch điện VIII sẽ được ban hành. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh thúc đẩy phát triển năng lượng và năng lượng tái tạo, một trong những lĩnh vực quan trọng của tỉnh Ninh Thuận đã được xác định quy hoạch tổng thể của tỉnh. Tiếp đó, tỉnh Ninh Thuận cũng mời gọi đầu tư và có những cơ chế chính sách tiếp theo để thúc đẩy phát triển công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo cảng biển, logistic.
Đi cùng với đó là phát triển về lĩnh vực du lịch đẳng cấp chất lượng cao, phát triển kinh tế đô thị và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đây là những nhóm ngành mà tỉnh Ninh Thuận đã xác định là những ngành chiến lược và ưu tiên không chỉ của giai đoạn đến năm 2025 - 2030, mà cả giai đoạn tiếp theo để hình thành những ngành nghề quan trọng, là động lực để cho sự phát triển ổn định lâu dài.
Hiện nay cả nước đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vậy Ninh Thuận sẽ triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi ra sao, thưa đồng chí?
Phải nói rằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Ninh Thuận có vai trò rất quan trọng. Địa phương có 3/4 diện tích là đồi núi, tập quán của bà con các dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở vùng miền núi, vùng cao.
Chúng tôi nhận thấy rằng, các chính sách của Đảng, Nhà nước về miền núi trong thời gian qua rất quan tâm. Hiện nay chúng ta đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chúng tôi thấy rằng đây là những quyết sách kịp thời và rất đúng.
Tinh thần chung của tỉnh Ninh Thuận là tập trung nguồn lực phân bổ cho các chương trình, trong đó có chương trình cho miền núi.
Tỉnh Ninh Thuận triển khai rất quyết tâm và xem đây là một trong những công việc ưu tiên để làm sao các nội dung, nhiệm vụ cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội vung đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Quốc hội đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi sẽ được triển khai một cách kịp thời, đầy đủ, chặt chẽ và đến với đồng bào một cách nhanh nhất để bà con ổn định cuộc sống và sản xuất, đáp ứng đươc an sinh xã hội của người dân.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!