Chuyện nghề của phóng viên nghị trường

Với các phóng viên, được tham gia tác nghiệp tại các kỳ Quốc hội luôn là niềm vinh dự. Tuy nhiên, kèm theo đó cũng là những áp lực rất lớn về lượng thông tin "khổng lồ" và và cả những câu chuyện không đăng trên báo.

Chú thích ảnh
Nhà báo Viết Tôn (trái) phỏng vấn đại biểu bên hành lang Quốc hội.

Nhịp cầu giữa đại biểu và cử tri

Theo thông lệ hằng năm, cứ vào gần cuối tháng 5 và tháng 10, những phóng viên của các cơ quan báo chí, chuyên trách đưa tin về kỳ họp Quốc hội lại có gần một tháng “ăn dầm ở dề” tại tòa nhà Quốc hội để đưa tin kỳ họp. Đáp ứng những yêu cầu, kỳ vọng về thông tin của bạn đọc tại mỗi kỳ họp, quả thực là thử thách rất lớn với các phóng viên nghị trường.

Được phân công theo dõi lĩnh vực thông tin nội chính, Quốc hội, với kinh nghiệm đã làm thông tin Quốc hội 3 khóa (khóa XIII, XIV, XV), nhà báo Viết Tôn, phóng viên báo Tin tức (TTXVN) chia sẻ, khi tác nghiệp làm thông tin Quốc hội cần phải nhanh nhưng đòi hỏi phải chính xác cao. Bên cạnh đó, cần có mối liên hệ chặt chẽ với đại biểu Quốc hội, nhất là những đại biểu có chuyên môn sâu về từng lĩnh vực cụ thể để phỏng vấn trúng vấn đề. Ngoài ra, phóng viên cần liên hệ chặt chẽ với thư ký đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi, phỏng vấn đại biểu sau mỗi phiên họp.

“Để đáp ứng với yêu cầu của báo chí hiện đại, mỗi phóng viên phải thực hiện nhiệm vụ “3 trong 1”; gồm làm thông tin text, ảnh và cả clip nên người làm báo phải thông thạo kỹ thuật, khai thác triệt để công nghệ thông tin trong tác nghiệp. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của tòa soạn”, nhà báo Viết Tôn (báo Tin tức) chia sẻ.

Đánh giá về vai trò của báo chí, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, báo chí đã thực sự thể hiện là cầu nối vững chắc giữa người dân và chính quyền, người dân với Đảng và Quốc hội. Thông qua báo chí, người dân nắm được thông tin chủ trương đường lối của Đảng nhưng ngược lại với cơ quan quản lý nhà nước, qua báo chí cũng biết được những mong muốn nguyện vọng chính đáng cũng như bức xúc của người dân cần tháo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng) cho biết, trong mỗi kỳ họp Quốc hội, báo chí đóng vai trò quan trọng, là nhịp cầu giữa đại biểu và cử tri. Những vấn đề được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội được báo chí phản ánh nhanh, kịp thời và phân tích nhiều chiều, mang thông tin đến bạn đọc một cách chính xác và đa dạng nhất. “Đại biểu ngồi trong hội trường theo dõi, vừa mới một tích tắc thôi đã thấy có những tin bài rồi, các tin bài rất đa dạng, khai thác một vấn đề ở nhiều góc độ và mang tính xây dựng”, đại biểu Nguyễn Chu Hồi đánh giá.

Chú thích ảnh
Đáp ứng yêu cầu báo chí hiện đại, mỗi phóng viên làm thông tin Quốc hội của báo Tin tức phải đảm nhiệm 3 vai trò: quay video, chụp ảnh, viết text.

Những câu chuyện bên lề

Bên cạnh việc truyền tải thông tin về các hoạt động của kỳ họp Quốc hội tại các phiên làm việc chính thức, một phần quan trọng và cũng là khó khăn nhất với phóng viên Quốc hội là phỏng vấn bên hành lang. Ngoài thẻ báo chí, mỗi ngày, để lên được hành lang nghị trường gặp gỡ, phỏng vấn đại biểu, phóng viên phải có thêm thẻ sự kiện. Do số lượng thẻ phát ra có hạn và phải trả lại vào cuối ngày nên muốn có tấm thẻ này, phóng viên phải đến từ rất sớm. Thẻ nhiều khi cũng “nóng” như nghị trường, ai “chậm chân” thì không thể lên hành lang phỏng vấn.

Tuy nhiên, khi đã có thẻ trong tay, việc tiếp cận đại biểu Quốc hội cũng không hề đơn giản. Phóng viên thường phải căn giờ lên hành lang trước khi giải lao để quan sát xem đại biểu mình cần phỏng vấn đang ở vị trí nào. Nhiều khi, tìm được đại biểu nhận lời phỏng vấn thì chuông báo hiệu hết giờ giải lao, đại biểu trả lời rất ngắn để kịp vào giờ họp và đôi khi nội dung trả lời cũng chưa đủ để “thỏa mãn” mong muốn của người cầm bút.

Đặc biệt với nhiều vấn đề “nóng”, được dư luận quan tâm, phóng viên mướt mải đi lòng vòng các cửa ra vào hội trường để tìm được đại biểu, nhưng khi chỉ mới đặt vấn đề đã nhận về những cái lắc đầu.

Cùng với đó, khi có đại biểu đồng ý trả lời với phóng viên “3 trong 1”, vừa quay video, vừa chụp ảnh và viết text thì phải chọn được vị trí đẹp là điều không hề dễ dàng vì phóng viên nào cũng muốn giành hỏi những vấn đề mình quan tâm.

Là phóng viên đã gắn bó với nhiều kỳ họp Quốc hội, phóng viên Luân Dũng (báo Tiền Phong) chia sẻ, đại biểu Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp hơn, nắm rõ vấn đề mình phụ trách. Tuy nhiên, số lượng đại biểu “cởi mở” với báo chí, đặc biệt là vấn đề “nóng” còn chưa được như mong muốn. “Điều đáng sợ nhất với phóng viên là những cái lắc đầu từ phía đại biểu Quốc hội. Với tôi, ngoài làm luật, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, thì phản biện, phát biểu trên báo chí cũng là một trong những hoạt động giám sát thiết thực hiệu quả của đại biểu Quốc hội. Tôi mong muốn đại biểu Quốc hội đồng hành chia sẻ và cởi mở hơn nữa với báo chí, đặc biệt các đại biểu là tư lệnh ngành sẽ giải đáp kịp thời những thắc mắc của cử tri, qua đó đưa ra những giải pháp để người dân hiểu rõ hơn” nhà báo Luân Dũng bày tỏ.

Kể những câu chuyện “bếp núc” để thấy được sự vất vả của phóng viên nghị trường. Tuy nhiên, mỗi phóng viên đều hiểu, đó là trách nhiệm và là công việc phải làm, bởi họ mang trên vai trọng trách là cầu nối, đưa những ý kiến của cử tri đến với đại biểu và mang những chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước đến với nhân dân.

Nhóm PV Quốc hội/Báo Tin tức
Nữ nhà báo với gần 100 giải thưởng
Nữ nhà báo với gần 100 giải thưởng

Suốt 30 năm làm báo với 98 giải thưởng lớn nhỏ, nhà báo phương liễu dường như đã dành trọn tâm huyết cho ngòi bút của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN