Cử tri hai thành phố Hà Nội và Đà Nẵng đã theo dõi phiên họp, quan tâm và nêu ý kiến về những vấn đề được thảo luận trên nghị trường.
Xử phạt để tăng sự răn đe, phòng ngừa
Qua theo dõi thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương khẳng định, sau hơn 7 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh sửa của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính theo các ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân, các đại biểu đã tập trung phân tích cụ thể, tâm huyết và có trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả, tính khả thi trong quá trình thực hiện đối với từng nội dung cần nghiêu cứu sửa đổi thêm như: đối tượng áp dụng, biện pháp xử phạt hành chính, thẩm quyền xử phạt, hành vi bị nghiêm cấm, cương chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…
Góp ý kiến về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương đề nghị, cần xác định biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước là biện pháp ngăn chặn. Điều này phù hợp Hiến pháp, không vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đồng thời thực tiễn áp dụng (từ 2007 - 2017) cho thấy biện pháp phát huy hiệu quả, ngăn chặn các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh thêm quy mô vi phạm sau khi có biên bản vi phạm hành chính, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm tiếp theo của các cơ quan chức năng, tránh lãng phí tài sản xã hội khi phải cưỡng chế công trình vi phạm”, ông Phương nhấn mạnh.
Đề cập đến vai trò của chính quyền địa phương, đại diện UBND quận Hoàng Mai cho rằng cần xác định rõ thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND cấp phường. Ngoài ra, trong Luật nên quy định rõ nội dung rằng Chủ tịch phường ủy quyền cho các Phó Chủ tịch để ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, để có căn cứ cụ thể cho địa phương thực hiện. Thậm chí, đối với mức xử phạt thấp thì không cần thiết phải ra quyết định xử phạt mà giao quyền cho các lực lượng chức năng xử lý.
Đối với việc dừng cấp điện nước, đại diện UBND quận Hoàng Mai cũng kiến nghị cần thực hiện mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa khi phát hiện ra các hành vi vi phạm hành chính, nhất là vi phạm trật tự xây dựng. Đây là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa các hành vi vi phạm.
Đối với vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy nên quy định xử phạt ở mức tối đa để tăng sự răn đe, phòng ngừa. Đồng thời, Luật cần bổ sung thêm một số chức danh có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lực lượng công an nhân dân; nên quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chức danh cấp phó trong trường hợp chưa có cấp trưởng, để tránh tình trạng ùn tắc trong xử lý vi phạm hành chính của chính quyền địa phương...
Có nhiều tranh luận đa chiều
Trong phiên thảo luận, vấn đề bổ sung hình thức xử phạt cắt điện, nước các công trình xây dựng vi phạm đã có nhiều tranh luận đa chiều giữa các đại biểu Quốc hội.
Về vấn đề này, luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) cho rằng không cần bổ sung điều này vào khoản 2 Điều 86 như dự thảo đã nêu. Bởi vì điện, nước là hai mặt hàng thiết yếu cho hoạt đời sống của cá nhân, tổ chức; được thiết lập qua một giao dịch dân sự là hợp đồng mua bán điện, nước giữa doanh nghiệp với cá nhân, tổ chức; được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự cũng như các luật chuyên ngành khác.
Luật sư cho rằng việc ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là can thiệp vào giao dịch dân sự bằng một quyết định hành chính; việc này trái với nguyên tắc độc lập trong việc quản lý nhà nước. Việc này cũng không phù hợp với quy định pháp luật trong giao dịch dân sự cũng như sự thống nhất trong việc lập luật. Bởi lẽ cá nhân, tổ chức ký hợp đồng điện nước chưa chắc là người gây ra hành vi vi phạm pháp luật hành chính đó nên việc “ngừng cung cấp dịch vụ” là chưa đầy đủ và toàn diện. Mặt khác, một số điều luật trong Bộ luật hình sự năm 2015 đã có đủ các điều luật điều chỉnh, xử phạt, răn đe hành vi vi phạm luật hành chánh ở mức độ nghiêm trọng.
Ngoài ra, các cử tri Đà Nẵng cũng bày tỏ sự tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được thảo luận như như: xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy; việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên; xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính như cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định; cơ quan xử lý trường hợp vi phạm hành chính...
Cử tri Cái Thị Mỹ Hiệp (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) đồng quan điểm với phát biểu của bà Nguyễn Hoàng Mai thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang là nên bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng nghiện ma túy. Ngoài ra, việc xác định đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do Luật Phòng chống ma túy xác định chứ không nằm trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Còn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, Ban soạn thảo dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính có chỉnh sửa Điều 90 là bổ sung biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì rất khó cho công tác quản lý nếu đối tượng đi khỏi nơi cư trú. Đồng thời, việc giao người sử dụng trái phép chất ma túy từ 14 đến 18 tuổi cho gia đình quản lý là không khả thi, vẫn cần được quản lý, giám sát, tư vấn chặt chẽ bởi các cán bộ có trình độ chuyên môn.