Theo dõi phiên họp qua màn hình ti vi, ông Nguyễn Văn Vẹn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều đại biểu phát biểu tại hội trường đã đề cập đến những vấn đề nóng, cấp thiết của đất nước như: quản lý quỹ bảo hiểm y tế; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực Y tế và Giáo dục; phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế… Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Vẹn rất quan tâm đến ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm rõ vấn đề thiếu giáo viên và giáo viên bỏ việc.
Theo ông Vẹn, là một tỉnh công nghiệp, có nhiều con em công nhân nhưng tại tỉnh Bình Dương vừa qua cũng thiếu hơn 3.000 giáo viên cho năm học 2022 - 2023. Ông cho rằng, Bộ cần xem xét chủ trương thi tuyển bổ sung công chức, các đơn vị hợp đồng những viên chức, nhân viên còn thiếu sau tuyển dụng; tiếp tục xem xét, từng bước giải quyết cho những viên chức không trực tiếp giảng dạy nhưng có gốc đào tạo sư phạm được chuyển ra dạy lớp đúng chuyên môn. Bên cạnh đó cũng cần tăng lương, phụ cấp cho các giáo viên dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng.
Ông Vẹn cho biết thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, đưa ra giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực y tế là có các chính sách hỗ trợ nhân viên y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giúp tăng nguồn nhân lực y tế. Theo ông Vẹn, sau đợt dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta cần có thêm các chính sách khích lệ tinh thần lực lượng này.
Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Triệu Phú Lộc (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, ông đang rất tâm đắc với ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) về vấn đề Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nới trần hạn mức tín dụng đối với doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh.
Ông Hải cho rằng, doanh nghiệp bị suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020, 2021 và có khả năng phục hồi trong năm 2022, 2023 thuộc đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động ổn định và tăng trưởng nhẹ trong năm 2020, 2021. Riêng năm 2022, các doanh nghiệp này có suy giảm nghiêm trọng, bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong lĩnh vực xuất khẩu. Vì vậy doanh nghiệp ngành gỗ khó đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng gặp khó trong công tác hậu kiểm.
Doanh nghiệp đã được duyệt hỗ trợ lãi suất và hạch toán lợi nhuận sau thuế, nếu có các đoàn thanh, kiểm tra xác định doanh nghiệp không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì đã quyết toán xong các chi phí. Ông hi vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để các ngân hàng thương mại linh hoạt tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng và các ngành sản xuất khác nói chung được nhận gói hỗ trợ để phục hồi sản xuất.