Đề xuất giải pháp căn cơ, giảm nghèo bền vững cho từng nhóm đối tượng
Tại Lâm Đồng, nhiều cử tri dành sự quan tâm cho một số vấn đề như: Xây dựng nông thôn mới, đầu tư của Nhà nước vào các nông lâm trường, đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu, giảm nghèo nhanh và bền vững...
Cử tri Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến: Năm 2020 xảy ra nhiều vấn đề tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, như tình hình dịch COVID-19, biến đổi khí hậu gây ra hạn hán cục bộ, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn.
Theo ông Châu, vấn đề chung của ngành nông nghiệp là việc một số nguồn giống phải nhập khẩu của nước ngoài. Hiện nay, ngành dâu tằm trong nước hầu hết đều phụ thuộc vào nguồn giống tằm nhập khẩu. Nhiều mặt hàng nông sản phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu như tơ tằm, chè, cà phê bị tác động rất lớn. Lượng hàng tồn kho khiến các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động sản xuất, như ở Lâm Đồng là các cơ sở chế biến chè.
Từ thực tế của địa phương, ông Nguyễn Văn Châu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngành nông nghiệp, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất, xây dựng các giải pháp cụ thể, lâu dài để phát triển thị trường tiêu thụ trong nước đối với các sản phẩm nêu trên, xây dựng các kênh xuất khẩu nông sản bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan cần xúc tiến việc đàm phán, triển khai nhập khẩu trứng tằm giống gốc, giống cấp I và trứng thương phẩm chính ngạch; nghiên cứu, sản xuất nguồn giống tằm đảm bảo chất lượng, từng bước chủ động nguồn giống phục vụ sản xuất trong nước.
Khẳng định những ý kiến thảo luận tại Quốc hội ngày càng bám sát thực tiễn đời sống, nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nhu cầu của nhân dân, cử tri Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho rằng, một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất là kết quả công tác giảm nghèo bền vững và mục tiêu thực hiện công tác này trong giai đoạn 2021-2025. Tỉnh Lâm Đồng có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,6% năm 2015 xuống ước còn 1,35% năm 2020. Theo cử tri Lê Văn Tòa, đây là thành quả ấn tượng, góp phần minh chứng rằng: Khi ý Đảng hợp lòng dân sẽ tạo thành sức mạnh, góp phần thực hiện có kết quả cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo", không để ai bị bỏ lại phía sau.
Từ kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững của Lâm Đồng, cử tri Lê Văn Tòa mong muốn Quốc hội có giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc chống tái nghèo; thực hiện đồng bộ giữa các chính sách giảm nghèo với các chương trình, dự án hỗ trợ khác đối với vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn; quan tâm tới các dự án hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, vật tư, thiết bị phục vụ nông nghiệp từ các nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và đối ứng của người dân để phục vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị Quốc hội yêu cầu các địa phương phải thống kê, phân loại cụ thể số hộ nghèo, xác định rõ nguyên nhân nghèo để có phương án, giải pháp căn cơ, giảm nghèo bền vững cho từng nhóm đối tượng nghèo, tránh báo cáo chung chung, giải pháp chung chung.
Phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội
Cử tri thành phố Hải Phòng theo dõi sát phiên họp chiều 3/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và đều có chung nhận định: Các báo cáo phản ánh khá toàn diện, đầy đủ, nêu rõ thực trạng thuận lợi, khó khăn cùng những giải pháp cụ thể, quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ trong điều hành, chỉ đạo đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật... Nhiều góp ý, phản biện của các đại biểu Quốc hội đầy tinh thần trách nhiệm và sát thực tiễn.
Cử tri Nguyễn Điền, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng rất phấn khởi khi cả nước đã khống chế, đẩy lùi và kiểm soát được dịch COVID-19. Đồng thời, kinh tế - xã hội tiếp tục có bước phát triển với GDP 9 tháng năm 2020 đạt 2,12%, tuy thấp so với mấy năm trước, song lại xếp thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong mùa đại dịch.
Cử tri Nguyễn Điền mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết để quản lý tốt hơn nữa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đặc biệt về đạo đức xã hội. Nếu không ngăn chặn được tình trạng đạo đức xuống cấp, sẽ ảnh hưởng tới "nền tảng tinh thần xã hội" - một trong 4 trụ cột xây dựng, phát triển đất nước.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cử tri Hoàng Duy Đỉnh, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng đề cập vấn đề đang được quan tâm, đó là tình trạng giáo viên bỏ nghề diễn ra ở nhiều địa phương. Lý do có nhiều, nhưng nguyên nhân phổ biến đều do "thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống".
Cử tri Hoàng Duy Đỉnh chia sẻ, hệ lụy của tình trạng này đang diễn ra ở hai khâu: Một là thiếu giáo viên, trong đó phổ biến ở hai cấp học Tiểu học và Mầm non, nhiều trường muốn tuyển giáo viên nhưng không có người dự tuyển; hai là các trường sư phạm thiếu chỉ tiêu tuyển sinh hoặc phải tuyển đầu vào với kết quả thấp. "Thiếu là một khó khăn, nhưng tuyển đầu vào với chất lượng thấp thì quả thực là nguy cơ đối với chất lượng giáo dục", ông Đỉnh nêu ý kiến. Do đó, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm tới vấn đề này bằng những chính sách cụ thể hơn, góp phần thực hiện mục tiêu "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".
Nghị quyết số 42 giúp tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ xấu
Ngày 3/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nhiều nội dung, trong đó có nội dung về báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết này, cử tri Huỳnh Công Lợi, nguyên Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Nghị quyết đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; khẳng định quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng và công ty mua bán tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC); cho phép mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường; cho phép Tòa án áp dụng thủ tục để giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm… Tiếp theo đó, văn bản hướng dẫn thực hiện của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao… đã giúp Nghị quyết đi vào thực tiễn.
Theo cử tri Huỳnh Công Lợi, với những văn bản này, hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu của Việt Nam đã có bước tiến lớn so với trước đây và tương đối hoàn thiện, tiến gần hơn với các quy định chung thường thấy tại các quốc gia có hệ thống pháp lý phát triển trên thế giới. Đặc biệt, nhận thức, thiện chí của bên vay trong việc giải quyết nợ xấu đã được tăng lên, góp phần đáng kể vào kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, theo ông Lợi, vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả hơn. Điển hình như việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản theo Điều 10, Nghị quyết 42 còn gặp vướng mắc khi triển khai. Ngoài việc tuân thủ theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm, tổ chức tín dụng và bên nhận chuyển nhượng còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư. Tổ chức tín dụng đưa tài sản bảo đảm là dự án bất động sản ra bán đấu giá công khai và xác định được người trúng đấu giá nhưng sau đó lại không thực hiện được thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho người nhận chuyển nhượng, với lý do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, năng lực theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Cử tri Huỳnh Công Lợi cho rằng, hiện tranh chấp tài sản đang là vấn đề phức tạp nhất, gây khó khăn nhất đối với các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm. Do đó, cử tri kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để xử lý các vướng mắc trên, đặc biệt là việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Đây là điểm mấu chốt để quá trình triển khai Nghị quyết 42 có hiệu quả hơn trong thời gian tới.