Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Gia Lai cho rằng trong phiên chất vấn, đại biểu và các bộ trưởng, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực đã hỏi, trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm. Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, theo ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai, phát triển nông nghiệp là một thế mạnh của địa phương. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn những vướng mắc về hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật, nguồn nhân lực...
Theo ông Hải, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tỉnh Gia Lai cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao do doanh nghiệp chủ trì; có sự tham gia dẫn dắt và chủ lực của một đơn vị nghiên cứu ứng dụng của Nhà nước trong đầu tư, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu. Chính quyền địa phương cũng cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển các dự án.
Về các ý kiến đại biểu chất vấn lĩnh vực Giao thông vận tải tại Kỳ họp Quốc hội, cử tri tỉnh Gia Lai cũng có những bức xúc liên quan đến tuyến Quốc lộ 19 đang thi công, đoạn qua địa bàn tỉnh. Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 19) qua địa bàn tỉnh Gia Lai được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực, mở ra cơ hội thông thương, kết nối từ cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với các tỉnh Tây Nguyên, các nước Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan theo hành lang Đông - Tây. Tuy nhiên, việc triển khai dự án qua địa bàn tỉnh Gia Lai đã để xảy ra quá nhiều tồn tại, bất cập khiến người dân rất bức xúc. Sau hai năm khởi công, Quốc lộ 19 đứng trước nguy cơ không kịp về đích theo kế hoạch (vào ngày 30/6). Thời gian qua, dự án này liên tục bị người dân hai bên đường phản ánh về tiến độ thi công, đặc biệt là hệ thống mương nước cao bất thường, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Cử tri Lê Thị Mỹ (thôn Cây Điệp, xã K'Dăng, huyện Đắk Đoa) cho biết, những năm trước đến mùa mưa, sinh hoạt của người dân vẫn bình thường, từ khi Quốc lộ 19 thi công, mùa mưa năm 2022, đất đá tràn vào nhà gây ngập úng, hư hại tường nhà, hoa màu, cà phê, tiêu của gia đình. Ngoài ra, khu vực các cây cầu đang thi công trên Quốc lộ 19 cũng gây ách tắc giao thông, khiến xảy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đối với người tham gia giao thông.
Hàng trăm hộ dân sống dọc Quốc lộ 19 đang thi công đã phải chịu cảnh nhà ngập nước nhiều tháng mùa mưa năm 2022 do công tác thi công không đảm bảo khiến nước mưa tràn vào nhà, vườn của người dân, gây chập cháy tivi, tủ lạnh, trôi xe, sập tường, ngập úng hoa màu… Thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng nhưng đến nay người dân vẫn chưa được bồi thường. Năm 2023, mới xảy ra vài cơn mưa nhỏ nhưng tại huyện Đắk Đoa đã xảy ra ách tắc giao thông nghiêm trọng, bùn đất tràn ra mặt đường.
UBND hai huyện Mang Yang và Đắk Đoa đã nhiều lần phản ánh, kể cả bằng văn bản, yêu cầu Ban quản lý Dự án 2 đẩy nhanh tiến độ thi công dự án và đảm bảo an toàn giao thông khu vực. Tuy nhiên đến nay, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Mới đây, ngày 5/6, Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) vừa gửi văn bản đến Ban quản lý Dự án 2 yêu cầu chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu để việc thi công Quốc lộ 19 gây nguy hiểm đến an toàn giao thông, tính mạng người dân. Qua kiểm tra hiện trường ngày 25/5, Khu Quản lý đường bộ III nhận thấy, Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa nhưng công tác đảm bảo an toàn giao thông khi đang thi công trên đường vẫn còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục. Các đoạn thi công đào nền đường thiếu rào chắn, cọc tiêu, biển báo, dây giăng, không có đèn cảnh báo vào ban đêm, không bố trí người trực gác đảm bảo giao thông. Một số đoạn chưa thi công xong, hệ thống rãnh dọc, cửa xả gây đọng nước trên đường, chảy nước vào vườn nhà dân gây bức xúc trong người dân sống hai bên Quốc lộ.