Tại kỳ họp, vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh và đông đảo cử tri trong tỉnh quan tâm là việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đặc biệt là đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa các cảng cá, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, nuôi trồng thủy sản cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường biển hiện nay.
Nhiều đại biểu cho rằng, Ninh Thuận là một trong 4 ngư trường thuận lợi của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, sự phát triển đó lại không tương xứng, thế mạnh của tỉnh. Hiện nay, cơ sở hạ tầng vùng biển nhất là việc các cảng cá đã xuống cấp nặng, khu neo đậu tàu thuyền ngày càng bồi lắng, không thể neo đậu, môi trường biển ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng… gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội vùng biển. Việc nuôi trồng thủy sản trên biển hiện còn tình trạng chồng chéo; việc lấn biển để nuôi trồng thủy sản gây mất mỹ quan vùng biển, ô nhiễm môi trường biển...
Đại biểu Phan Thị Ngân Hạnh cho rằng, trong bối cảnh giá nhiên, vật liệu leo thang, việc vươn khơi đánh bắt thủy hải sản của ngư dân các tỉnh, thành phố ven biển nói chung và Ninh Thuận nói riêng thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, đặc biệt, Quyết định 48/2010/QĐ-CP của Chính phủ chưa kịp thời, gây không ít khó khăn cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Khắc Lâm nêu rõ, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cảng cá: Cảng Cà Ná (cảng loại 1), cảng Đông Hải và cảng Ninh Chữ (cảng loại 2), cảng cá Mỹ Tân (cảng loại 3) được giao cho Ban Quản lý khai thác các cảng cá của tỉnh quản lý. Nhiều cảng có khả năng tiếp nhận từ 4.000 đến 25.000 tấn hàng hóa qua cảng/năm. Tuy nhiên, tất cả các cảng đều đã xây dựng từ khá lâu nên việc xuống cấp là khó tránh khỏi. Từ năm 1996 đến nay, tỉnh đã ban hành 6 quyết định về đầu tư, sửa chữa và nâng cấp các cảng cá; đồng thời có giải pháp nạo vét luồng lạch tạo thuận tiện cho tàu cá vào neo đậu, giao thương hàng hóa và tránh trú bão.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với chính quyền các địa phương vùng biển, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền về vệ sinh môi trường biển, thu gom xử lý rác thải; có giải pháp hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng... Cùng với đó là kết nối dự án xây dựng hạ tầng vùng biển, thu hút doanh nghiệp lớn vào đầu tư xây dựng hạ tầng vùng biển.
Ninh Thuận hiện có 2.261 tàu từ 6 mét trở lên đến dưới 30 mét. Để hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-CP của Chính phủ, Chi cục Thủy sản đang tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung danh sách tàu cá đủ điều kiện khai thác thủy sản, dịch vụ khai thác thủy sản trên biển.
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt cho 69 tàu cá đủ điều kiện khai thác thủy sản và tàu dịch vụ khai thác thủy sản trên vùng biển xa; qua đó nâng tổng số tàu cá của tỉnh lên 737 chiếc (6 tàu khai thác, 51 tàu dịch vụ) được hưởng chính sách theo Quyết định 48/2010/QĐ-CP của Chính phủ.
Ngành Thủy sản cũng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể và đầy đủ về cách thức ghi chép nội dung hoạt động khai thác trong sổ nhật ký khai thác thủy sản sau chuyến biển đến ngư dân tham gia hoạt động khai thác ở vùng biển xa được hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-CP của Chính phủ, góp phần giúp ngư dân hạn chế chi phí nhiên liệu, giảm thiểu chi phí đầu vào…
Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu nhấn mạnh, kiến nghị của cử tri về các vấn đề trên là rất xác đáng bởi thực tế hiện nay thực trạng xuống cấp của các cảng cá là rất rõ. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm tham mưu UBND tỉnh có giải pháp cải tạo, nâng cấp và xử lý tình trạng quá tải, xuống cấp tại các cảng cá. UBND tỉnh cần có định hướng quy hoạch mang tính lâu dài, có giải pháp đầu tư phát triển bài bản các cảng cá; làm rõ vấn đề thuế đất, phát triển cơ sở hạ tầng ở các cảng cá. Bên cạnh đó cần có hướng xử lý cụ thể đối với trường hợp nuôi trồng thủy sản không đúng quy hoạch, gây ô nhiễm mô trường biển, ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành khác.
Thực tế, nếu việc nạo vét luồng lạch được triển khai trong tháng 10 tới lại đúng vào mùa mưa bão. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu rõ thời gian, lộ trình để thực hiện nạo vét một cách hiệu quả; đồng thời phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương vùng biển có giải pháp xử lý có tính khả thi cao.
Ngành Thủy sản tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngư dân bám biển theo Quyết định 48/2010/QĐ-CP của Chính phủ; tăng cường giám sát, hướng dẫn ngư dân tuân thủ và thực hiện nghiêm việc khai thác thủy sản theo đúng khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thống nhất và biểu quyết thông qua 24 nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về phát triển kinh tế biển đến năm 2025 và tầm nhìn những năm tiếp theo; Nghị quyết huy động nguồn lực ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Kỳ họp đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh và cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh, khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thế Hùng, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh do được điều động công tác khác; bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Huỳnh Tấn Hạnh - Giám đốc Công an tỉnh và ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp.