Cử tri quan tâm phiên thảo luận phát triển KTXH

Cử tri nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm theo dõi và đánh giá cao phiên thảo luận chiều 1/4 của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến quý báu.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Nguyệt Hường phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN

* Cần thêm động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển


Về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm qua, ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý và Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đã có sự nhích lại gần hơn với đòi hỏi và nguyện vọng của người dân. Trong năm 2015, kinh tế có chuyển biến tương đối tốt, nhưng nhiều chỉ số kinh tế đầu năm cho thấy còn nhiều vấn đề như nợ công, phát hành trái phiếu, thực trạng của các doanh nghiệp… cần phải giải quyết ngay với những quyết sách mới. Hiện chúng ta đã có những đổi mới, nhưng cơ bản mới nằm ở tư duy và bắt đầu chuyển qua hành động. Do vậy, tư duy đổi mới được thể hiện qua hành động sẽ nói lên tất cả, đó sẽ là tín hiệu lạc quan nhất cho phát triển đất nước.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ông Trần Quang Thắng cho biết: Chúng ta cần khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Những sinh viên mới ra trường với dự án tốt cần kết nối để các tổ chức tài chính tài trợ cho các em hoàn thành ý nguyện của mình. Điều này sẽ giúp khắc phục tình trạng nhiều dự án tốt nhưng không đi vào thực tiễn.

Năm 2016 được xem là năm giao mùa trong phát triển kinh tế - xã hội với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với định hướng và quyết tâm gắn bó gần với đời sống nhân dân và doanh nghiệp, việc đưa những luật mới vào cuộc sống… sẽ là nền tảng thúc đẩy sự phát triển.

Đánh giá việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật trong một số trường hợp còn chậm, lúng túng, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu ý kiến: Chúng ta cần khắc phục tình trạng một số dự án luật không được triển khai xây dựng và ban hành đúng theo kế hoạch; đồng thời chú trọng đúng mức tới việc đóng góp, tiếp thu ý kiến, giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng và thực thi pháp luật. Đặc biệt là cần phát huy chất xám của đội ngũ các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong đề xuất các sáng kiến xây dựng pháp luật…".

Theo ông Phan Trung Hoài, trong điều hành kinh tế - xã hội thời gian tới, Chính phủ cần lấy nhiệm vụ thi hành Hiến pháp và pháp luật làm nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, tập trung thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tổ chức bộ máy Nhà nước.

Cử tri tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nhìn nhận việc sử dụng đất ở một số dự án chưa đạt hiệu quả cao, cụ thể nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, khu phát triển công nghệ cao dù đã có quy hoạch nhưng lại chưa có phương án sử dụng đất dẫn đến lãng phí trong sử dụng đất.

Cử tri Hoàng Đức Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải(Quảng Ninh) phản ánh: Ở tỉnh Quảng Ninh, chính quyền địa phương đã sớm thuê các tư vấn quốc tế lập quy hoạch và công bố công khai quy hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn 2030 nên tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân và nhà đầu tư.

Nhờ có quy hoạch tốt, khoảng 2 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã thu hút hàng loạt các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, Sungroup, FLC đầu tư hàng loạt dự án như khu thương mại, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sân bay, sân golf, khu du lịch phức hợp có casino hay khu nông nghiệp công nghệ cao… Các dự án này sẽ làm thay đổi diện mạo Quảng Ninh, sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai gần.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng: Việc quy hoạch đất đai phục vụ cho các dự án phát triển du lịch, dịch vụ cần tránh lấy vào những vùng đất đai có những tài nguyên quý như than, cát trắng để tránh lãng phí nguồn tài nguyên không tái tạo này.

Cử tri Nguyễn Duy Phương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Quảng Ninh cho biết: Ngoài việc quy hoạch tốt, dài hạn thì Quảng Ninh còn là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình Trung tâm Hành chính công từ cấp tỉnh đến huyện, thị xã và thành phố, nơi tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ mọi thủ tục hành chính. Đây cũng là yếu tố quan trọng việc thu hút các nhà đầu tư lớn, uy tín đến với Quảng Ninh.

Có dự án được tỉnh cấp phép chỉ sau từ 3 – 8 giờ làm việc như dự án nhà máy dệt sợi của Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) và dự án chăn nuôi bò của Công ty Phú Lâm ở Móng Cái. Nhiều dự án được giao đất, giao mặt bằng sạch với thời gian nhanh đến bất ngờ, nhất là các dự án ở khu kinh tế Vân Đồn.

Nhiều cử tri Quảng Ninh đề nghị, trong giai đoạn 2016 – 2020, Trung ương và các tỉnh, thành phố cả nước nói riêng cần đẩy mạnh việc quy hoạch có chất lượng, có phương án sử dụng đất và tập trung cải cách hành chính theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp thì tình hình kinh tế xã hội của đất nước sẽ có có bước phát triển vượt bậc, cải thiện được đời sống người dân.

* Quan tâm đến đời sống dân sinh

Ông Đinh Tấn Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Ông rất mừng vì điều hành của Chủ tọa tạo được sự tập trung cao độ. Quốc hội đã làm sáng tỏ một số vấn đề, tạo cho người dân có tin tưởng vào nhiệm kỳ mới, điển hình là vấn đề an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất nông nghiệp.

Theo cử tri Dũng, cùng với tình trạng chung của cả nước, hiện Quảng Ngãi còn nhiều dự án và quy hoạch treo dẫn đến lãng phí về đất, nhất là ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do vậy, trong khi chờ đợi Chính phủ có cơ chế, chính sách ưu đãi và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, các địa phương cần xây dựng chế độ ưu đãi riêng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các vị trí “vàng” hoặc xây dựng phương án sử dụng đất hiệu quả. Trong đó, chính quyền địa phương cần phải lên phương án để có đất sạch, đất “vàng”, mời gọi doanh nghiệp đầu tư.

Cử tri Trần Minh Hùng, phường Lê Hồng Phong (thành phố Quảng Ngãi) cho rằng, phiên thảo luận lần này, các đại biểu đã tập trung đánh giá những thuận lợi, cũng như thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế cũng như thách thức của nền kinh tế nước ta. Theo cử tri Hùng, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để đối phó với biến đổi khí hậu vì hiện nay biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

Ngoài những hành động cấp bách như: trợ giá, trợ cước cho nông dân vùng bị xâm nhập mặn, vùng hạn hán; cứu đói cho người dân nếu xảy ra… Chính phủ cần xây dựng giải pháp lâu dài và cụ thể như: xây dựng phương án bảo vệ rừng đầu nguồn, xây dựng các hồ đập, hệ thống thủy lợi…

Bên cạnh đó, hiện nay ngư dân ra khơi đang bị các tàu nước ngoài tấn công, do vậy Chính phủ cần có những chính sách trợ giúp, bảo vệ để ngư dân yên tâm bám biển; xác định rõ việc phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh mà chủ lực là hàng vạn ngư dân đang ngày đêm bám biển…

Nhóm phóng viên TTXVN tại các địa phương
Tái cơ cấu nông nghiệp trong tình hình mới
Tái cơ cấu nông nghiệp trong tình hình mới

Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, các đại biểu đề nghị Chính phủ mới cần tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN