Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến (TP Cao Lãnh) chuyên chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Trong bài bình luận kinh tế ra ngày 28/3, ngân hàng lớn nhất vùng Vịnh Ngân hàng Quốc gia Qatar (QNB) nêu ra nhận định trên. Bài bình luận nêu rõ Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cam kết tiếp tục cải cách nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước và tự do hóa kinh tế vĩ mô. Do đó, triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn tích cực, phù hợp với dự báo của QNB công bố hồi tháng 12/2015, theo đó kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7% trong năm 2016 và 7,5% trong năm 2017.
Trong năm 2015, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Việt Nam đạt 6,7% so với 6% của năm trước đó, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trưởng mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Sở dĩ Việt Nam tăng trưởng vượt trên cả dự báo như vậy là nhờ xuất khẩu tăng mạnh và được hỗ trợ bởi một số yếu tố khác.
Theo QNB, Việt Nam đang thu hút đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhờ giá nhân công rẻ và các thỏa thuận thương mại tự do mà Việt Nam mới ký kết như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu ÂU (EU).
Theo QNB, đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ vào Việt Nam. Ngoài ra, các công ty xuất khẩu hàng hóa giá rẻ đang chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam do giá thuê nhân công thấp hơn và Trung Quốc đang chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa cao cấp.
QNB nêu rõ FDI vào Việt Nam đã tăng sau khi các thỏa thuận thương mại tự do gồm TPP và FTA với EU được ký trong năm 2015, nhưng động lực mạnh nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam là khi TPP có hiệu lực, nhiều khả năng là trong năm 2017. Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước vẫn tăng mạnh. Thu nhập có thể tăng lên nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh, trong khi thị trường nhà ở đang bắt đầu phục hồi, có thể thúc đẩy đầu tư và lòng tin của người tiêu dùng.