Nội dung phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và người đứng đầu các ngành liên quan đến những vấn đề trong lĩnh vực giao thông vận tải đã nhận được sự quan tâm của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương được coi là trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực phía Nam - đầu tàu kinh tế của cả nước.
* Phát triển hạ tầng giao thông phù hợp với yêu cầu thực tế
Theo dõi các vấn đề được chất vấn liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, cử tri Kiều Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cơ khí Tân Thanh (thành phố Thủ Đức) cho rằng, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông nói chung hiện nay đang chậm so với kế hoạch, vì nhiều nguyên nhân và lý do. Các doanh nghiệp rất mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành cố gắng xây dựng, triển khai, quản lý hiệu quả các dự án giao thông.
Hiện nay, hạ tầng giao thông khu vực Thành phố Hồ Chí Minh thực sự chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Thành phố. Hy vọng vấn đề này sẽ được Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn, vì Thành phố là trung tâm kết nối với các địa phương phía Nam, có năng lực sản xuất, phát triển kinh tế cao. Cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn về hạ tầng giao thông để Thành phố và các địa phương phía Nam đạt được sự phát triển xứng đáng với tiềm năng.
Bà Kiều Ngọc Phương cho biết, để hoạt động vận tải hàng hóa hiệu quả hơn cần có những làn đường riêng, tuyến đường riêng dành cho xe tải, xe container; có hệ thống đường kết nối nhanh giữa khu công nghiệp thẳng tới các cảng logistic để đảm bảo hoạt động vận tải hàng hóa và không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông của các loại phương tiện khác trong Thành phố. Quy hoạch định hướng phát triển đường bộ cần quan tâm mở rộng đường cho xe tải, xe container đến từng cửa, từng ngõ; còn hoạt động vận tải từ các khu công nghiệp đến các cảng biển nếu được thì ưu tiên sử dụng hệ thống giao thông thủy và đường sắt.
Về giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay xung quanh hoạt động của các trạm thu phí BOT, theo bà Kiều Ngọc Phương, nên có những làn thu phí riêng cho xe tải, xe container, giúp hoạt động giao thông vừa nhanh vừa an toàn. Các trạm thu phí nên áp dụng thu phí không dừng để giúp giảm bớt thời gian lưu thông; bên cạnh đó, cần bố trí các trạm cân tải trọng ngay tại trạm thu phí để đảm bảo xe đúng tải trọng, đảm bảo an toàn cho chủ xe, lái xe và người tham gia giao thông nói chung.
Cũng có chung ý kiến, ông Trịnh Quang Tuấn, Phó trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Thị trường Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn cho rằng, hệ thống hạ tầng logistic và giao thông tại Thành phố hiện nay không theo kịp thực tế và nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Cần có quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông phù hợp, tách bạch cho vận tải hàng hóa để đảm bảo sự thông suốt, an toàn cho người tham gia giao thông.
Đánh giá cao sự quan tâm của Quốc hội đối với vấn đề phát triển hệ thống giao thông cho Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, theo ông Trịnh Quang Tuấn, hiện nay hệ thống giao thông nói chung, đường cao tốc nói riêng tại Thành phố và khu vực phía Nam chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế cũng như sự đóng góp của khu vực vào nền kinh tế quốc gia. Thực tế tại Thành phố cho thấy, Nhà nước cần xây dựng quy hoạch, thiết kế đầu tư đường cao tốc lớn hơn, mở rộng mặt đường và bố trí các trạm thu phí hợp lý, khoa học hơn để đảm bảo tốc độ và an toàn giao thông trên cao tốc.
* Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn bám sát vấn đề cử tri quan tâm
Là một người quan tâm và có thời gian theo dõi chương trình chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Hữu Lâm, cựu chiến binh tại Phường 15, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Quốc hội lựa chọn chất vấn 4 nội dung lớn liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn là phù hợp thực tế, đáp ứng mối quan tâm, mong muốn cần giải quyết của cử tri, nhân dân cả nước.
Qua theo dõi truyền hình trực tiếp cho thấy, đại biểu Quốc hội đã đi thẳng vào những vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đó là vấn đề ách tắc trong xuất khẩu sản phẩm nông sản; trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc để người tiêu dùng phải chịu giá xăng dầu, giá sách giáo khoa cao; đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh; sự chậm trễ trong triển khai xây dựng giao thông đường bộ… Tất cả những câu hỏi mang đến nghị trường cho thấy sự trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước các vấn đề mà cử tri và người dân quan tâm.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, thể hiện sự nghiên cứu nghiêm túc của đại biểu Quốc hội đối với các nội dung vấn đề được lựa chọn chất vấn. Đồng thời, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị của các thành viên Chính phủ khi trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm các nội dung được chất vấn trong lĩnh vực của mình phụ trách.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Lâm, tại các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điều hành rất khoa học, linh hoạt, kỹ lưỡng các nội dung. Sau mỗi ý kiến trả lời chất vấn, Chủ tọa đã tổng hợp tóm tắt nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, nêu những nội dung mà các thành viên Chính phủ chưa trả lời đúng ý kiến của đại biểu Quốc hội, từ đó gợi mở ý kiến trả lời bổ sung thêm.
“Hoạt động chất vấn, tranh luận và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các Bộ, ngành liên quan là một việc làm đúng đắn, rất tích cực của Quốc hội, giúp khẳng định được trách nhiệm của Quốc hội với tư cách cơ quan lập pháp tối cao và thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội với cử tri cả nước”- ông Nguyễn Hữu Lâm nhấn mạnh.