Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong chương trình thảo luận của báo Bild với khách mời là Chánh Văn phòng Phủ thủ tướng Đức Helge Braun về cuộc chiến chống COVID-19, cựu Phó Thủ tướng Rösler - người cũng từng giữ chức Bộ trưởng Y tế liên bang Đức - đã được mời tham luận trực tuyến để thông tin về cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam, nơi ông vừa tới thăm hồi cuối tháng trước.
Vị Tiến sĩ y khoa Rösler cho biết, so với thế giới, Việt Nam đã làm rất tốt công tác kiểm soát dịch khi số người nhiễm và số người tử vong rất thấp trong tổng dân số khoảng 97 triệu người. Ông nhấn mạnh ngay từ đầu dịch, Việt Nam đã có phản ứng rất quyết liệt, trong đó có việc lập tức đóng cửa biên giới và ngay khi mới chỉ xuất hiện một vài trường hợp mắc bệnh, Việt Nam đã cho phong tỏa ngay những khu vực này. Các biện pháp kiềm chế dịch đã giúp Việt Nam có thể kiểm soát tốt đợt dịch bệnh đầu tiên bùng phát. Sau khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng hơn vào mùa Hè, những trường hợp nhiễm mới lại được phát hiện và Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp kiểm soát. Cựu Phó Thủ tướng Rösler cho biết các biện pháp mà Việt Nam thực hiện đã mang lại hiệu quả, việc đi lại trong nước đã dễ dàng trở lại, nhưng những người nhập cảnh Việt Nam, với rất ít ngoại lệ, đều phải thực hiện biện pháp cách ly.
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua cùng một số đại diện doanh nghiệp lớn của Đức, Thuỵ Sĩ và Israel, cựu Phó Thủ tướng Rösler cũng đã chúc mừng Việt Nam khống chế thành công đại dịch COVID-19, coi đây là mô hình kiểu mẫu cho nhiều nước trên thế giới học hỏi.
Cũng liên quan cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam, báo Zeit (Thời đại) của Đức ngày 7/12 đăng bài phỏng vấn ông Jeremy Farrar, một trong những chuyên gia hàng đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, trong đó, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm này cũng đánh giá cao kết quả chống dịch COVID-19 của Việt Nam.
Theo ông Farrar, Việt Nam đã có phản ứng dứt khoát từ rất sớm với những biện pháp quyết liệt và đã phá vỡ được chuỗi lây nhiễm. Ông nhấn mạnh chỉ có thể phá vỡ được chuỗi lây nhiễm khi thực hiện cách ly triệt để và tiến hành xét nghiệm rộng rãi để sàng lọc không chỉ các trường hợp có triệu chứng mà cả những người không có triệu chứng bệnh. Ông cho rằng SARS-CoV-2 không chỉ là mầm bệnh mà còn là virus gây bệnh truyền nhiễm điển hình, cần có sự nỗ lực rất lớn ở các cấp để có thể kiềm chế được dịch bệnh. Chuyên gia Farrar cũng nhận định việc ngăn chặn triệt để sự lây lan của virus cũng như tránh để lây nhiễm mới là chiến lược duy nhất để kiểm soát lâu dài được dịch bệnh, giống như những gì mà Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác đã thực hiện.