Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng về các dự án tại bán đảo Sơn Trà

Thành phố Đà Nẵng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các dự án liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng các sở, ngành kiểm tra công trình xây dựng sai phạm tại dự án Khu du lịch Sinh thái Biển Tiên Sa. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tại cuộc họp ngày 25/8/2017, kết quả làm việc với Hiệp hội Du lịch thành phố và kết quả làm việc với chủ đầu tư có các dự án tại khu vực bán đảo Sơn Trà, UBND thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tại bán đảo Sơn Trà đến nay có 3 dự án đã được đầu tư, 1 dự án đang triển khai (Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Biển Tiên Sa, đang tạm dừng), 3 dự án đã triển khai một phần nhưng sau đó tạm dừng, 11 dự án chưa triển khai.

Các dự án tại bán đảo Sơn Trà được hình thành trong giai đoạn từ năm 2003 - 2012, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời phù hợp với Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2020. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch các dự án đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định về an ninh, quốc phòng với cao trình xây dựng các dự án dưới cao trình 200 mét so với mặt nước biển và không có nhà đầu tư nước ngoài.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, vấn đề về đa dạng sinh học mới được quan tâm đầy đủ. Ngoài một số dự án chưa triển khai, hầu hết nhà đầu tư đều tâm huyết, mong muốn phát triển bán đảo Sơn Trà trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của thành phố và cả nước.

Quan điểm của UBND thành phố Đà Nẵng là phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa-tâm linh; bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà bền vững, phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam cũng như quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ và các lĩnh vực khác có liên quan; đồng thời tiếp tục triển khai phát triển khu vực bán đảo Sơn Trà phù hợp với tinh thần Nghị quyết 33/NQ-TU của Bộ Chính trị…

Các nguyên tắc đề xuất: Bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ và kiểm soát bằng một cơ chế đặc biệt nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát triển. Do vậy, thành phố Đà Nẵng đưa ra một số giải pháp như: Giữ lại các dự án xây dựng hoàn chỉnh và đã đưa vào hoạt động có hiệu quả; đảm bảo an ninh quốc phòng; các dự án tại bán đảo Sơn Trà phải do nhà đầu tư trong nước thực hiện; không ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ và khu vực nhạy cảm về quốc phòng an ninh.


Đồng thời, phải coi trọng bảo tồn đa dạng sinh học; không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và khu vực các nhà khoa học cảnh báo có nhiều khả năng loài Voọc Chà vá chân nâu xuất hiện, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Bắc và Đông Bắc bán đảo Sơn Trà. Công trình xây dựng phải tuân thủ quy chế quản lý đặc thù và hài hòa với môi trường tự nhiên sinh thái, đảm bảo về bình độ triển khai các dự án.

Trên cơ sở thống nhất của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về việc cho phép phát triển các dự án kinh tế - xã hội tại bán đảo Sơn Trà từ bình độ 200m trở xuống, UBND thành phố Đà Nẵng đã rà soát thêm một số tiêu chí về cảnh quan tự thiên, điều kiện hạ tầng kỹ thuật hiện trạng, điều kiện về địa hình địa mại, đề xuất theo nguyên tắc: Các công trình có chức năng lưu trú, công trình kiên cố, chỉ được triển khai từ bình độ 100m trở xuống; các chức năng thuần túy phục vụ vui chơi giải trí, hoạt động ngoài trời, sinh hoạt cộng đồng có thể được triển khai từ bình độ 200m trở xuống; hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích chung của cộng đồng theo hướng phát triển bền vững; không có yếu tố cư trú tại khu vực bán đảo Sơn Trà.

Qua rà soát, có 6 dự án không phù hợp với các tiêu chí đã nêu, kiến nghị điều chỉnh chuyển đổi công năng sang phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, không có lưu trú; xem xét cắt giảm quy mô 10 dự án để phù hợp các tiêu chí đã nêu; giữ nguyên 2 dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư và phù hợp với tiêu chí nêu trên.

Văn Sơn (TTXVN)
Làm rõ hơn việc cấp phép ca khúc, quy hoạch bán đảo Sơn Trà
Làm rõ hơn việc cấp phép ca khúc, quy hoạch bán đảo Sơn Trà

Tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, sáng 14/6, Tư lệnh ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu, đặc biệt là những vấn đề nóng liên quan đến cấp phép những tác phẩm âm nhạc và quy hoạch bán đảo Sơn Trà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN