Tại cuộc họp báo, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông, cho biết ngay sau khi có thông tin, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc xác minh từ các cơ quan: Ban cán sự Đảng, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đơn vị công tác của đại biểu…. Đến ngày 25/8, ông Phạm Phú Quốc đã làm đơn xin thôi Đại biểu Quốc hội, thôi chức Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) sau khi có thông tin về việc ông có hai quốc tịch Việt Nam và Cyprus.
Đối với trường hợp của ông Phạm Phú Quốc, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết UBND TP Hồ Chí Minh đã thống nhất hướng xử lý như sau: Ngay trong tuần, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố sẽ họp và gửi văn bản báo cáo Quốc hội để xem xét bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc. Đối với tổ chức Đảng, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ làm việc với ông Quốc để xử lý trong tháng 9. Ngay trong tuần này, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND thành phố để đình chỉ.
"Trước kia, khi các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội vào năm 2016, ông Phạm Phú Quốc có đầy đủ tiêu chuẩn ứng cử theo quy định Quốc hội. Đến tháng 2/2018, ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus nhưng không khai báo là "thiếu gương mẫu, không trung thực, không chấp hành quy định của Đảng", ông Hà Phước Thắng nói.
Tương tự, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Đây là điều đáng tiếc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và bài học cho công tác tổ chức cán bộ sau này. Khi sự việc xảy ra, ông Phạm Phú Quốc đã trình bày "quốc tịch Cyprus do gia đình bảo lãnh, thông tin mua quốc tịch 2,5 triệu USD không chính xác”. Ngoài ra, từ năm 2019, đã có tin ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch thứ 2. Tuy nhiên, khi đó các cơ quan, tổ chức nơi ông Phạm Phú Quốc sinh hoạt đều chưa biết. Điều đó cho thấy, ông Quốc đã không trung thực. Chúng tôi chỉ biết khi báo chí nước ngoài đưa".
Trả lời câu hỏi của báo chí "Tiền đâu ông Quốc có 2,5 triệu USD để mua quốc tịch?", ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết: “Chúng ta nên tôn trọng điều đại biểu báo cáo chính thức, không nên suy diễn hoặc nghe dư luận. Hiện nay, việc xác minh thông tin liên quan đến đại biểu Phạm Phú Quốc vẫn đang diễn ra thận trọng để đánh giá đúng vụ việc, không đánh đồng và phủi sạch những gì mà đại biểu đã làm được trong suốt thời gian qua. Đối với các cơ quan báo chí, cũng cần có những thông tin chính thống, không nên phủ nhận hay quy chụp, thậm chí có những nhận định một chiều gây ảnh hưởng đến những đại biểu Quốc hội”.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, hiện nay công tác bổ nhiệm các đại biểu, cán bộ cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi bổ nhiệm, đối với đại biểu, cán bộ cũng cần trung thực khai báo thông tin liên quan đến bản thân, không nên né tránh. Đối với cơ quan quản lý, cũng cần kiểm chứng lại thông tin của các cán bộ, chứ vừa qua một số nơi còn thực hiện yếu, chưa chặt chẽ…
Đối với câu hỏi của báo chí cho rằng, ông Phạm Phú Quốc vừa qua có được bổ nhiệm nhanh, có bất thường gì không?, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, việc đề bạt một cán bộ, đại biểu Quốc hội là có bước đi, có quy trình, phương pháp và có thời gian thẩm định cụ thể. Do đó, khi ông Quốc được bổ nhiệm nhanh thì cần xem xét cụ thể. "Hiện chúng tôi đang giao Sở Nội vụ soát xét lại có hay không và chưa cập nhật những thông tin này. Nếu chúng tôi nói thì không chính xác, không công bằng cho cán bộ", ông Như Khuê chia sẻ thêm.
Kết thúc buổi họp báo, ông Từ Lương cho biết, tinh thần của UBND TP Hồ Chí Minh là xem xét vụ việc này xuyên suốt công khai, minh bạch, không né tránh, không bao che cho cán bộ. Sắp tới, vụ việc sẽ thông tin rộng rãi đến truyền thông, báo chí và người dân được biết những thông tin chính thống, không phải một chiều như một số thông tin trên dư luận hiện nay. “Những ngày tới, sau khi các cơ quan chức năng của thành phố xác minh xong, thẩm tra lại toàn bộ vụ việc và căn cứ trên bản giải trình của ông Phạm Phú Quốc, thành phố sẽ có những xử lý cụ thể và cung cấp bằng văn bản cho báo chí được rõ hơn”, ông Từ Lương nói.
Trước đó, hãng tin Al Jazeera tung loạt bài viết cho biết, chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp (Cyprus) cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD để sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Đại biểu Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp.
Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị; từng giữ các chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC), Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV.
Ngày 4/12/2019, ông Phạm Phú Quốc được UBND TP Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng đã bị bắt trước đó về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ông cũng trúng cử đại biểu Quốc hội lần đầu năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 4, gồm các quận 5, 10, 11.