Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV:

Đại biểu mong muốn Quốc hội có Nghị quyết cho ngành y trong khi chờ Luật Đấu thầu mới

Bên lề kỳ họp ngày 29/5, phóng viên báo Tin tức ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Mong muốn Quốc hội có Nghị quyết cho ngành y trong khi chờ Luật Đấu thầu mới

Đại biểu Nguyễn Trí Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết, đại biểu đánh giá cao báo cáo giám sát của Quốc hội, báo cáo hoàn chỉnh gần như thể hiện hết vấn đề xảy ra, rất thực trong dịch COVID-19 vừa qua.

Theo đại biểu Nguyễn Trí Thức, sau đại dịch quá lớn như dịch COVID-19, ngành y đã quá sức, điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều nước. 

“Để vực dậy ngành y thì cần gì? Ngành y cần thể chế hóa cụ thể Kết luận 14 của Bộ Chính trị bảo vệ người dám nghĩ dám làm, đây là điều mà tôi và các anh em trong ngành quản lý y tế mong mỏi để có hành lang bảo vệ cho mình, mạnh dạn mua sắm đấu thầu, giúp người bệnh vượt qua khó khăn giai đoạn này”, đại biểu Nguyễn Trí Thức cho hay. 

Theo đại biểu, để giải quyết vấn đề trước mắt, Chính phủ đã có Nghị quyết 30, Nghị định 07 khi áp dụng vào thực tế đã giải quyết đc nhiều vấn đề, tuy nhiên chưa giải quyết dứt điểm đc vì còn một số nội dung chưa giải quyết được.

“Tôi mong muốn có một nghị quyết của Quốc hội mang tính chất pháp lý cao hơn, dựa trên Nghị quyết 30 và Nghị định 07 cùng Luật Đấu thầu mà Quốc hội đang thảo luận để xây dựng Nghị quyết có tính chất pháp lý cao, áp dụng Nghị quyết đó cho đến khi các văn bản hướng dẫn của luật đấu thầu mới có hiệu lực để giải quyết những vấn đề còn tồn tại và có thể có khoảng trống khi chờ Luật Đấu thầu mới”, đại biểu Nguyễn Trí Thức đề xuất.

Chú thích ảnh
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.

Để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, phải truy ra trách nhiệm của người đứng đầu

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, qua khảo sát, đánh giá của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều rất khó khăn trong tiếp cận đấu thầu, từ hồ sơ mời thầu cho đến cách mời thầu. Khảo sát cũng cho thấy, có trên 30% phải bỏ chi phí bên ngoài. Theo đại biểu, ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu tập trung vào khâu thực hiện. 

“Thứ nhất, có yếu tố né tránh, sợ không dám làm. Hai là, bây giờ mời thầu không có nhà cung cấp. Bởi lâu nay chỉ có một số nhà cung cấp chính, họ đã cung cấp trong một thời gian rất dài, cho nên vừa rồi mới lộ ra những tồn tại, sai phạm, nên bây giờ nếu không khéo có khi lại còn khó khăn hơn nữa. Bên cạnh đó là yếu tố tâm lý, không chỉ là tâm lý của người làm quản lý nhà nước về đấu thầu mà tâm lý của nhà thầu cung cấp cũng vậy.  Khi nhà cầu được xem xét để cung cấp, anh phải có đủ điều kiện về năng lực, trong đó có kinh nghiệm, thời gian lâu năm trong lĩnh vực đó”, đại biểu Tạ Văn Hạ nêu.

Đại biểu đánh giá, thời gian qua, Nhà nước, Quốc hội cũng rất tích cực họp bàn, để ban hành cơ chế với mục đích kịp thời tháo gỡ những khó khăn. Bộ Y tế cũng đã có những thông tư để tháo gỡ và cũng đã có chuyển động. Tuy nhiên để nói chuyển động để đáp ứng nhu cầu hiện nay chưa, thì câu trả lời là chưa. Thực tế vẫn đang thiếu thuốc và vật tư y tế. Vì vậy, cần thiết phải tiếp tục xem xét và làm rõ hơn nữa.

“Để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, phải truy ra trách nhiệm của người đứng đầu. Sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất. Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm ở đâu? Đây là sự sống, cái chết của người bệnh, vậy sao không dám?”, đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết.

Theo đại biểu, vụ ngộ độc botulinum ở TP Hồ Chí Minh vừa qua và tình trạng thiếu thuốc hiếm để cứu các nạn nhân khiến chúng ta hết sức đau lòng.

“Nhà nước đang xây dựng quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là ở góc độ đó. Thậm chí, trong bối cảnh cứu người còn được coi là dũng cảm. Bây giờ cái đó là một phần chứ không phải hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách nữa, phần nhiều phụ thuộc vào người đứng đầu. Nếu tháo gỡ được điều này thì không chỉ ngành y tế mà tất cả các lĩnh vực khác đều có thể được khơi thông”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết.

PV/Báo Tin tức
Đại biểu Quốc hội: Nguồn lực cho ngành y còn thiếu, nên tập trung 'xây' thay vì 'chống' 
Đại biểu Quốc hội: Nguồn lực cho ngành y còn thiếu, nên tập trung 'xây' thay vì 'chống' 

Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN