Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Hoàng Quang Hàm, 12 chỉ tiêu KT - XH đạt và vượt kế hoạch; tổng thu ngân sách vượt dự toán, Trung ương vượt thu sau 3 năm liên tiếp hụt thu; bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép. Kinh tế, ngân sách 2018 là một bức tranh đẹp, toàn diện.
Tuy nhiên báo cáo của Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhận định, mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ. Khu vực nông nghiệp, tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Khu vực công nghiệp, gia công trong sản xuất công nghiệp còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp bên ngoài; trình độ công nghệ sản xuất vẫn vào loại thấp so với thế giới và khu vực; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực dịch vụ phát triển còn hạn chế, chưa thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững nên quí 1/2019 tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ và thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra. Có lĩnh vực là động lực chính, quan trọng cho tăng trưởng 2018 đang giảm tốc như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm tỷ trọng lớn trong công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 1,9% trong khi cùng kỳ tăng 23,6% (giảm 21 điểm %); thu hút khách du lịch nước ngoài, nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng du lịch, dịch vụ tính chung 4 tháng tăng 7,6% giảm 22 điểm % so với cùng kỳ… Như vậy, đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới tăng trưởng bền vững vẫn là bài toán đặt ra cần một lời giải căn cơ toàn diện.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, về phát triển doanh nghiệp: Doanh nghiệp là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, động lực quan trọng để tăng trưởng. Số liệu cho thấy, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đều tăng so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, năm 2018, có 165.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động thì có tới 90.000 doanh nghiệp dừng hoạt động; cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có hơn 5 doanh nghiệp rời thị trường. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98,3% số doanh nghiệp cả nước. Trong tổng số doanh nghiệp kê khai thì chỉ có 40% doanh nghiệp có lãi… Như vậy, năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp còn thấp, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn.
Cũng theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, về chất lượng lao động: Năng suất lao động tăng qua các năm nhưng chất lượng lao động còn bất cập. Hết 2018 nền kinh tế có khoảng 54 triệu lao động nhưng có 22 triệu lao động chưa qua đào tạo, 41 triệu lao động chưa được đào tạo từ 3 tháng trở lên cho thấy chất lượng lao động đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng, nguy cơ dư thừa lao động khi đối diện với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang dần hiện hữu cần có giải pháp đột phá.
Về ngân sách nhà nước, nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng: Chính phủ đã rất nỗ lực để cân đối được ngân sách; có nguồn thu để đáp ứng nhiệm vụ chi; kiểm soát bội chi, kéo nợ công ra xa mức trần. Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng vẫn còn những bất cập cần tiếp tục tháo gỡ. Thu ngân sách không bền vững, thu từ tài nguyên, đất đai vẫn có tỷ trọng lớn, một số khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh các năm gần đây không đạt dự toán. Chính sách thu hầu như không điều chỉnh, mục tiêu thu đạt 21% GDP vào ngân sách khó đạt được, dự báo sẽ hụt thu giai đoạn 2016 - 2020 so với mục tiêu, dẫn đến nguồn lực để tăng chi đầu tư khó có đột phá để thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó giải ngân vốn đầu tư công năm 2018 thấp nhất trong 6 năm qua; 4 tháng đầu năm 2019 cải thiện hơn nhưng cũng chỉ tăng hơn so với cùng kỳ 0,18%; chậm giải ngân vốn đầu tư đã diễn ra nhiều năm chủ yếu là do tổ chức thực hiện vì những vướng mắc của Luật Đầu tư công chỉ ảnh hưởng đến những dự án mới mà giai đoạn 2016 - 2018 ngân sách khó khăn nên mở mới rất ít dự án.
Cũng theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế khu vực nhà nước, thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công triển khai chậm nên chi lương, phụ cấp từ ngân sách cao. Năm 2017, chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương là 343.000 tỷ đồng chiếm 39% tổng chi thường xuyên; cộng thêm lương hưu và trợ cấp BHXH thì bằng 391.000 tỷ, chiếm 44%, lớn hơn chi đầu tư phát triển.
Tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách trung ương trong tổng chi đầu tư đang giảm dần; bổ sung chi đầu tư từ ngân sách trung ương cho địa phương cao hơn nhiều so với tỷ lệ tối đa 30% qui định trong Luật ngân sách nhà nước làm ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của Ngân sách trung ương, ảnh hưởng đến tập trung nguồn lực cho các chính sách lớn, các dự án lớn liên vùng để tạo ra các cú huých cho tăng trưởng.
Sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn, tính cho giai đoạn 2019 - 2021 sẽ là 32,7%. Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 700 ngàn tỷ; có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000 đến 40.000 tỷ trên 1 tháng.
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, báo cáo của Chính phủ khá chi tiết và toàn diện nhưng thiếu so với báo cáo các năm trước nhiều chỉ tiêu quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm như sản lượng điện; dầu thô khai thác, xi măng, than sạch, thép các loại… Bên cạnh đó, những yếu tố tăng trưởng không bền vững vượt kế hoạch nhưng không thuyết minh rõ tác động như thế nào đến tổng GDP hoặc những yếu tố tăng trưởng quan trọng nào không đạt mục tiêu. Chẳng hạn công nghiệp khai khoáng 2 năm 2017 - 2018 tuy tăng trưởng âm nhưng thực tế thực hiện đều vượt kế hoạch trong đó 2017 dầu thô vượt kế hoạch 1,29 triệu tấn, 2018 vượt 0,7 triệu tấn đóng góp đáng kể vào điểm % tăng trưởng nhưng chưa phân tích, thuyết minh yếu tố tăng trưởng tương ứng nào không đạt mục tiêu. Chính phủ cần quan tâm hơn để cung cấp thêm thông tin cho Quốc hội.