Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội):
Trong phần trả lời của Bộ trưởng, số lượng các đại biểu đặt câu hỏi tranh luận so với số lượng các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn rất nhiều, điều này cho thấy, các đại biểu chưa hài lòng về câu trả lời của Bộ trưởng.
Nếu như Bộ trưởng trả lời thẳng vào nguyên nhân thực tế của vấn đề, ví dụ, vấn đề nóng hiện nay là BOT, nguyên nhân vì sao xảy ra trường hợp này, đâu là lỗi do tổ chức quản lý, chỗ nào là do lỗ hổng về mặt luật pháp… thì các đại biểu và cử tri sẽ cảm thấy Bộ trưởng đã nhìn thẳng vào vấn đề, chỉ ra được giải pháp và sẽ không có nhiều tranh luận như vừa qua.
Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: TTXVN |
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải có nhiều vấn đề nóng như: BOT, phí, đặt câu hỏi chỉ trong 1 phút không quá dài, phần trả lời của Bộ trưởng chỉ trong 3 phút. Bộ trưởng nên trả lời thẳng vào vấn đề, nguyên nhân do đâu thì sẽ dễ nhận được sự đồng tình của nhân dân và cử tri cả nước.
Về vấn đề BOT, điều mà các đại biểu mong muốn được nghe đó là Bộ trưởng hãy nói thật xem nguyên nhân ở đâu, đâu là điểm yếu kém trong công tác quản lý, yếu kém trong công tác thẩm định dự án, cũng như xác định dự án nào là dự án cần thiết đầu tư BOT. Về công tác tổ chức, sự tham gia của các bên như thế nào, đặc biệt là có sự tham gia và đóng góp của người dân.
Hiện nay chi phí vận tải cao, nguyên nhân do hệ thống giao thông của chúng ta không đồng bộ, đặc biệt là sự không đồng bộ giữa hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt…. còn đang phát triển chênh lệch, làm cho tính kết nối không cao, dẫn đến chi phí giao thông đang dồn vào một khâu.
Đồng thời, nguồn ngân sách đầu tư cho giao thông còn hạn chế, cần huy động đầu tư xã hội theo hình thức PPP. Trong thời gian vừa qua, khi sử dụng hình thức này đã để xảy ra những khiếm khuyết, bức xúc đây là điều để chúng ta cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre):
Vấn đề chất vấn hội trường BOT rất nóng, nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến chi phí DN. Tuy nhiên, vấn đề mà các vị đại biểu quan tâm không chỉ là vấn đề chi phí giao thông, điều quan trọng nhất là cần có chính sách để phát triển hạ tầng, để phát triển kinh tế.
Làm sao thu hút được sự tham gia của các nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng, nếu không có hạ tầng thì các “tế bào” kinh tế của cơ thể đất nước không có dinh dưỡng.
Chúng ta đặt ra vấn đề về bài toán lợi ích. Nhà đầu tư khi đầu tư vào dự án giao thông đầu tiên phải yên tâm khi bỏ hàng trăm hàng nghìn tỷ, vay ngân hàng với lãi suất 8% … Nhà đầu tư không đi làm giúp, đây không phải câu chuyện từ thiện. Do vậy,. khi chúng ta kéo nhà đầu tư vào thì phải để cho họ yên tâm về thể chế, thu hồi vốn trong 1 giai đoạn nhất định.
Cùng với đó, phải quan tâm đến lợi ích của người dân gồm: Người dân khu vực dự án và những người tham gia giao thông, trong đó, phải có sự ưu tiên cho dân trong dự án vì bị mất đất và chịu ảnh hưởng. Sau đó mới đến người tham gia giao thông khác.
Thứ ba là lợi ích của nhà nước, nhà nước thu ở đâu, khi nền kinh tế mạnh lên thì nhà nước thu lợi, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hôi, giao thông tốt thì nhà nước hưởng lợi, nhà nước phát triển kinh tế mạnh, từ đó thu ngân sách cao và trang trải được các nhu cầu của Chính phủ cũng như các nhu cầu phát triển kinh tế khác.
Ba lợi ích này cần phải xem xét thứ tự ưu tiên và hài hòa.