Chiều 14/6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc sau 20 ngày làm việc. Nhận định về kỳ họp lần này, các đại biểu đánh giá cao những cải tiến chất lượng kỳ họp, nhiều nội dung về đời sống - xã hội đã được quan tâm, giải quyết được mong muốn của các đại biểu, cử tri.
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Phạm Phú Quốc:
Hài lòng khi Luật đầu tư công được thông qua
Tại kỳ họp này, tôi cảm thấy hài lòng nhất là Luật đầu tư công đã được thông qua, giúp thuận lợi hơn trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng các dự án trọng tâm, trọng điểm sử dụng hiệu quả ngân sách của Nhà nước để phát triển kinh tế, từ đó sẽ cải thiện được đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề quan trọng khác như: Luật Lao động, trong đó có thời gian lao động, tuổi nghỉ hưu… được thảo luận sôi nổi cho thấy Quốc hội rất quan tâm đến người lao động, người dân, điều này giúp các Luật khi đi vào thực tiễn sẽ hiệu quả hơn.
Đặc biệt, phần thảo luận tại tổ không bị hạn chế về mặt thời gian, cho phép các đại biểu được nói sâu hơn, phân tích và phản biện kỹ hơn các số liệu. Với những Luật, Bộ Luật, vấn đề được xã hội quan tâm, Quốc hội nên mời các chuyên gia là đại biểu Quốc hội hiểu rõ về lĩnh vực đó phát biểu tạo điểm nhấn, sau đó các đại biểu cùng tranh luận.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, Nguyễn Thị Phương Lan:
Cần cung cấp sớm tài liệu cho đại biểu
Kỳ họp này Quốc hội có nhiều điểm mới, đặc biệt là việc tiết kiệm thời gian, số lượng ngày họp ngắn hơn nhờ phương pháp làm việc hiệu quả.
Cụ thể, từ trước kỳ họp, các nội dung làm việc đã được thảo luận sâu, trao đổi rất kỹ ở cấp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành, các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo nội dung trình Quốc hội. Cho nên khi đưa ra Quốc hội thảo luận, các đại biểu đã nắm rõ hơn, toàn diện các vấn đề để có quyết định đúng đắn. Đặc biệt, tại kỳ họp này, các đại biểu đều am hiểu nhiều lĩnh vực của mình nên khi thảo luận các vấn đề rất sôi nổi và sâu sắc.
Tại kỳ họp này, tôi đánh giá cao các Luật đã thông qua vì các nội dung này đã được lấy ý kiến trong các kỳ họp trước.
Trong các kỳ họp tới, các đơn vị soạn thảo Luật trình Quốc hội cần chủ động hơn nữa trong việc cung cấp tài liệu liên quan cho các đại biểu sớm để đại biểu chủ động nghiên cứu. Nếu chưa có thông tin sâu rộng, khi phải có ý kiến về dự thảo Luật trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm việc của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Phạm Văn Hòa:
Cần tăng thêm thời gian thảo luận ở tổ
Tại kỳ họp này, cách điều hành của Đoàn chủ tịch rất linh hoạt, nhạy bén và chủ động, có sự phân công hợp lý giữa Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch, cương quyết với những đại biểu nói quá giờ gian hoặc chất vấn ngoài nội dung.
Tuy nhiên, một số Luật như Luật Giáo dục, Luật Công chức, Viên chức, đặc biệt là Bộ Luật lao động sửa đổi cần có nhiều thời gian để thảo luận. Nhưng thời gian thảo luận các Luật này lại bị chèn vào bằng việc biểu quyết các Nghị quyết nên nhiều đại biểu muốn phát biểu mà không còn thời gian.
Tôi đề nghị tăng thời gian thảo luận ở tổ. Thời gian 2 giờ mà thảo luận 2 Bộ Luật thì không đủ, vì chỉ 5 - 6 ý kiến phát biểu là đã hết thời gian, việc bố trí này chưa hợp lý. Với những Bộ Luật mà đại biểu quan tâm, nhiều ý kiến đăng ký phát biểu thì nên bố trí dài thời gian, còn những dự án Luật có khả năng ít đại biểu tham gia thì bố trí ngắn thời gian thảo luận.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa - Thiên Huế, Đặng Ngọc Nghĩa:
Việc lấy ý kiến thể hiện sự dân chủ
Kỳ họp này có sự rút ngắn thời gian phù hợp, vừa đảm bảo chương trình, vừa hoàn thành các nội dung đề ra. Việc sắp xếp chương trình thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường khá phù hợp.
Quốc hội có chính kiến rõ ràng với một số Luật nhạy cảm như Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định uống rượu bia thì không được lái xe hoặc giờ bán rượu, bia thể hiện sự dân chủ.
Sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội có sự “chia lửa” với các thành viên Chính phủ, tạo không khí trong chất vấn và trả lời chất vấn đảm bảo yêu cầu giữa người trả lời và người hỏi mang tính xây dựng.