Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Đi vào những vấn đề thực chất

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV diễn ra từ ngày 20/5 đến 14/6, Quốc hội đã tập trung đánh giá, phân tích các yếu tố trong nước, những tác động từ biến động kinh tế thế giới hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp then chốt nhằm nỗ lực cùng Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu ở tổ về phân bố, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Chiếm khá nhiều thời gian trên nghị trường Quốc hội, trong phiên thảo luận đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, nhiều đại biểu cho rằng có nhiều tín hiệu vui từ các chỉ số kinh tế đã đạt được. Tuy nhiên trước các diễn biến từ tình hình trong nước và thế giới, các đại biểu cho rằng vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới là động lực tăng trưởng dài hạn để có sự bứt phá.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 hoàn toàn có thể đạt được. Bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quý I năm 2019 vẫn đạt 6,79%, đây là mức thấp hơn so với Quý I năm 2018, nhưng lại cao hơn tất cả các Quý I của cả chục năm trước đây. 

Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đánh giá phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế tạo, chế biến; trong đó đáng chú ý là công nghiệp điện tử. Năm 2018, ngành này tăng trưởng rất nhanh với mức 26%. Tuy nhiên, quý I năm 2019, ngành điện tử chỉ tăng 1,9%, nhưng vẫn đóng góp vào sự tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế. Như vậy, mặc dù có sự suy giảm của ngành công nghiệp điện tử nhưng cũng không làm sụt giảm đến tăng trưởng GDP.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, kinh tế Việt Nam trong năm 2019 chưa có gì đáng lo ngại. Điều cần quan tâm hơn chính là động lực tăng trưởng dài hạn và làm thế nào để có sự bứt phá.

Theo đại biểu này, để đạt được yêu cầu trên Chính phủ đã luôn kiên định với mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô chứ không chạy theo đà tăng trưởng.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) lo ngại đến bối cảnh kinh tế thế giới sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam bởi chúng ta đang có độ mở kinh tế ở Top 5 thế giới. Cụ thể như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; xung đột Mỹ - Iran; Brexit... 

Đơn cử như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra từ giữa năm 2018. Hiện nay, đối với Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào nước này đạt 47,5 tỷ USD, nhưng ngược lại Việt Nam cũng nhập khẩu 12,8 tỷ USD, xuất siêu vào Mỹ hơn 34 tỷ USD. Con số này không ngừng tăng lên, nhưng lại rơi vào danh sách các nước mà Mỹ quan tâm xuất siêu vào Mỹ. Như vậy Mỹ cũng quan tâm tới Việt Nam chứ không chỉ có Trung Quốc. 

Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ cần phải xây dựng kịch bản đối phó với những biến động của kinh tế thế giới. 

Làm thế nào để phát triển kinh tế tư nhân - trụ cột cho tăng trưởng cũng là chủ đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp này. Theo báo cáo của Chính phủ, cả nước hiện có trên 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó, có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. 

Tuy nhiên, năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ doanh nghiệp bình quân còn thấp. Cụ thể, Việt Nam đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi các nước ASEAN là 80 - 100 người, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10 - 12 người dân/doanh nghiệp.

Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, hiện nay, Chính phủ đang lấy doanh nghiệp tư nhân làm trụ cột cho tăng trưởng, nhưng nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa cộng với việc "sức khoẻ" của các doanh nghiệp này không ổn định; cùng với nhiều doanh nghiệp ra đời thì cũng có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Vấn đề này cũng rất khó để kỳ vọng vào sự tăng trưởng bứt phá.

Đại biểu này cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân không có nghĩa phát triển quá nhiều các doanh nghiệp nhỏ, không có sức cạnh tranh cao. Vấn đề là cần phải dựa vào các tập đoàn mạnh, vì chính họ sẽ tạo ra được một "chỗ đứng" thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh ở chuỗi cung ứng trong chuỗi giá trị, khi đó mới có thể tạo ra phần sản phẩm của Việt Nam. Từ đó, tránh được tình trạng như hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân nhưng lại không có những tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất và vẫn chỉ tham gia vào một khâu (gia công) mang lại giá trị gia tăng quá thấp.

Nhằm tạo môi trường pháp lý mạnh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công - vốn đang thực hiện chậm làm cản trở nền kinh tế, kỳ họp này đã thông qua Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, đây là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu hoàn thành việc giải ngân đầu tư công theo kế hoạch. Tuy nhiên, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, yếu kém. Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp; chưa thực sự chủ động, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ; chậm thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định. Vẫn còn những điểm chồng chéo, bất cập về thể chế, quy định pháp luật liên quan.

Do đó, Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua Chính phủ sẽ nghiêm túc tổ chức triển khai, đưa các quy định của Luật sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, phát huy hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này đối với nền kinh tế. Qua đó, luật cũng tạo cơ chế để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện đột phá chiến lược xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết của Đảng.

Cũng tại Kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành chất vấn các nhóm vấn đề liên quan kinh tế thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng như: việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện ở các đô thị; tình trạng quy hoạch treo, dự án treo, đất bỏ hoang ở các địa phương, đội vốn; việc thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội để thị trường bất động sản phát triển ổn định; quản lý phương tiện vận tải, các dự án BOT gây bức xúc dư luận...

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu), để xử lý những bất cập của ngành xây dựng, đặc biệt là quy hoạch treo, xử lý các dự án chậm tiến độ, ngoài nỗ lực của ngành xây dựng, trách nhiệm của chính quyền địa phương, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ cần rà soát lại để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, kể cả việc chồng chéo về thẩm quyền quản lý và trách nhiệm của cơ quan chủ quản cũng như chính quyền các địa phương… 

Cũng quan tâm đến lĩnh vực xây dựng, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) ghi nhận những lời hứa, cam kết của tư lệnh ngành xây dựng trong việc đối diện và xử lý các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại. "Tuy nhiên, cũng cần thời gian để theo dõi việc thực hiện sẽ như thế nào", đại biểu này cho biết.

Giải trình về việc chậm ban hành Nghị định 86/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Nghị định 86 nhận được sự quan tâm đặc biệt của các hiệp hội doanh nghiệp, người dân cũng như các cơ quan thông tin truyền thông, cơ quan nghiên cứu. Bộ đã trình Chính phủ 7 lần và mỗi lần đều có những thay đổi do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, đến nay, nội dung Nghị định đã nhận được sự đồng thuận của hầu hết các hiệp hội, tổ chức, cơ quan. Do vậy, Nghị định 86 sửa đổi sẽ sớm được ban hành và khẳng định, khi đó, taxi công nghệ và taxi truyền thống sẽ có cơ hội cạnh tranh như nhau vì taxi truyền thống cũng có thể lắp các thiết bị công nghệ để phục vụ hành khách.

Về việc đến thời điểm này triển khai thu phí không dừng mới đạt được khoảng 30%, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hạn cuối cùng thực hiện thu phí tự động không dừng là 31/12/2019 cho tất cả các trạm thu phí. Bộ sẽ cố gắng bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện triển khai thu phí tự động không dừng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, giao thông vận tải có vai trò như mạch máu của nền kinh tế gắn với sự phát triển của đất nước cũng như ở mỗi địa phương, vùng miền.

Tuy nhiên, thực tế nguồn lực của đất nước có hạn nên cần có chiến lược phát triển phù hợp, phát huy được hiệu quả các nguồn lực; triển khai đồng bộ, đúng quy định của pháp luật. Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương làm tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ được giao…

Thành Trung (TTXVN)
Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)
Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 13/6, với 90,7% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN