Tại buổi hội kiến, hai bên đánh giá cao những nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và Liên minh châu Âu kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990. Bằng chứng là việc có hiệu lực của Hiệp định khung về Quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu vào năm 2016 (PCA), việc ký kết Hiệp định tự do Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) vào năm 2019. Qua đó, hai bên khẳng định cam kết chung nhằm tăng cường các nỗ lực thúc đẩy hòa bình và pháp quyền thông qua các tiếp cận đa phương và hợp tác, bao gồm cả trong lĩnh vực quốc phòng an ninh.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh đã trao đổi về việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh dựa trên luật pháp quốc tế và cam kết chung. Việc này sẽ được thực hiện thông qua tiếp tục thúc đẩy các cơ chế và khuôn khổ hợp tác, qua đó, đóng góp cho hòa bình toàn cầu, ổn định, phát triển khu vực, hỗ trợ triển khai hiệu quả Chiến lược Hội nhập quốc tế của Việt Nam và Chiến lược Toàn cầu của Liên minh châu Âu.
Quan hệ đối tác hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh sẽ phát huy, bảo vệ các nguyên tắc, quyền cơ bản theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người, góp phần duy trì hệ thống quốc tế dựa trên quy tắc, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế mà Việt Nam, Liên minh châu Âu, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu tham gia; thúc đẩy đa phương hiệu quả, đóng góp vào sự ổn định khu vực. Hai bên cam kết hợp tác để đạt được kết quả cụ thể trong giải quyết các thách thức an ninh chung, cả ở châu Á và những nơi khác, bao gồm: thông qua thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Về hợp tác trong quản lý khủng hoảng, hai bên hoan nghênh việc kết thúc đàm phán Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu (Hiệp định FPA). Hiện nay, lộ trình đã rõ ràng theo hướng hoàn thiện các thủ tục nội bộ dẫn tới việc ký kết, phê chuẩn và thực hiện đầy đủ Hiệp định trên. Hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, bao gồm xây dựng năng lực, đào tạo thông qua việc tham gia các chương trình huấn luyện.
Hai bên sẽ tăng cường tham gia bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống, như: tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, tội phạm có tổ chức và buôn lậu, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó, có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng sẽ thúc đẩy một không gian mạng toàn cầu, mở, miễn phí, ổn định, an toàn. Hai bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm về an ninh mạng, bao gồm về Công ước Bu-đa-pét, về việc áp dụng luật pháp quốc tế trong không gian mạng và thực hiện các quy chuẩn về hành xử có trách nhiệm của các quốc gia.
Đồng thời, hai bên hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, nhằm tăng cường nhận thức, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ cấu trúc an ninh khu vực do ASEAN dẫn dắt và các hình thức hợp tác an ninh đa phương khác tại châu Á; hỗ trợ xây dựng năng lực, các chương trình đào tạo, hợp tác về quản lý khủng hoảng hiện nay trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Việt Nam ủng hộ mong muốn của Liên minh châu Âu về việc tham gia vào các cấu trúc quốc phòng an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Liên minh châu Âu mong đợi Việt Nam tiếp tục có những đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Trong khuôn khổ Hiệp định khung về Quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện, hai bên sẽ thiết lập các cuộc tham vấn thường kỳ về quốc phòng an ninh để đảm bảo việc thực thi hiệu quả quan hệ đối tác hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh.