Đập Đăk Uy, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Kon Tum. |
Hiện nay, các công trình thủy lợi ở Kon Tum nằm rải rác trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Vị trí công trình xa và địa hình đồi núi chia cắt nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra. Nhiều công trình xây dựng đã lâu, đến nay vẫn chưa được đầu tư sửa chữa nên xuống cấp, hư hỏng nhiều. Bên cạnh đó, phía đầu nguồn các công trình thủy lợi thảm thực vật suy giảm nên khi có mưa, lượng bùn cát, cây cối đổ về lòng hồ gây khó khăn trong công tác vận hành điều tiết phòng chống lũ bão.
Để đảm bảo an toàn cho hồ đập thủy lợi trước mùa mưa bão, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng phòng kỹ thuật, Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết: Để đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ và phòng chống lụt bão năm 2018, Ban đã chỉ đạo các Trạm quản lý thủy nông tổ chức vận hành thử các cửa van, tràn xả lũ và thiết bị dự phòng để vận hành tốt khi lũ về.
Cùng với đó, Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh chỉ đạo các trạm thủy nông hạ thấp mực nước hồ để chủ động đón lũ về; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức kiểm kê vật tư, trang thiết bị phòng lũ đang tập kết tại trạm thủy nông và bổ sung khi thiếu để đảm bảo chủ động trong công tác phòng chống mưa lũ.
Hiện Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum đã tổ chức kiểm tra quy trình vận hành điều tiết đối với 71 hồ chứa; lập phương án phòng chống lũ lụt 24 hồ chứa có dân cư và cơ sở hạ tầng ở khu vực hạ du; lập phương án bảo vệ công trình thủy lợi đối với 2 hồ chứa Đăk Uy, Đăk Yên có dung tích trên 5 triệu m3 nước và hai hồ chứa Đăk Kan, Đăk Sa Men có dung tích nhỏ hơn 5 triệu m3 nước…
Cùng với đó, tỉnh Kon Tum chủ động phương án phòng chống thiên tai với tinh thần 4 tại chỗ (chỉ huy; lực lượng; vật tư, phương tiện và hậu cần) và 3 sẵn sàng (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).