Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến các yếu tố đảm bảo Dự án Luật sau khi thông qua và có hiệu lực sẽ dễ áp dụng, có tính khả thi trên thực tế. Hiện nay, trong Dự thảo Luật còn khá nhiều điều khoản mà tính khả thi khi áp dụng còn chưa được đảm bảo, nhất là về lực lượng thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở.
Bà Hoàng Ngọc Loan, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Quận 8 và bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Thành phố cùng có chung nhận xét, Dự thảo Luật quy định khá nhiều quyền, trách nhiệm của cấp phường, xã, thị trấn - nơi trực tiếp xử lý các vụ việc phòng, chống bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại cấp phường, xã đang rất thiếu nhân lực và một Phó Chủ tịch xã, phường phụ trách văn xã thường phụ trách rất nhiều ban công tác liên quan. Trong khi chưa có quy định về nguồn nhân lực chuyên trách trong lĩnh vực trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình thì buộc phải sử dụng nguồn cán bộ không chuyên trách, không có trình độ hiểu biết pháp luật và chuyên môn thuộc lĩnh vực này, sẽ dẫn đến việc triển khai áp dụng Luật không hiệu quả, không đạt được hiệu lực của pháp luật.
Vì vậy, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về trách nhiệm, chế độ đãi ngộ đối với những người kiêm nhiệm phụ trách công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình tại cấp xã, phường, thị trấn.
Cũng quan tâm đến nguồn nhân lực thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bác sỹ Phạm Quốc Hùng, Bệnh viện Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng tại khoản 2, điều 6 quy định về chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình quy định “… phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng” là chưa hợp lý. Bởi trên thực tế, lực lượng cộng tác viên dân số tuy có diện phủ rộng nhưng hạn chế về trình độ nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Trong khi đó, công tác xã hội hiện đã là một ngành nghề hiện hữu, nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng đã được đào tạo, trang bị kỹ năng tốt hơn cộng tác viên dân số. Công tác xã hội cũng có tính kết nối xã hội cao, dễ đạt hiệu quả cao khi tư vấn, liên hệ các cơ quan hữu quan trong trợ giúp đối tượng, chuyển gửi đối tượng nạn nhân bạo lực gia đình khi cần thiết.
Vì vậy, để nâng cao tính khả thi của Luật, bác sỹ Phạm Quốc Hùng đề nghị thay thế “mạng lưới cộng tác viên dân số” bằng “nhân viên công tác xã hội” hoặc bổ sung thêm “nhân viên công tác xã hội” vào khoản 2, điều 6.
Đối với điều 35 quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, bác sỹ Phạm Quốc Hùng cho rằng, Dự thảo Luật xác lập các mô hình cơ sở trợ giúp khá rộng rãi nhưng lại không nêu chủ thể giám sát các cơ sở này một cách cụ thể. Điều này có thể dẫn đến sự lơ là, buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sai phạm trong quá trình hoạt động của các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; vì vậy cần có thêm những quy định cụ thể hơn trong vấn đề này.
Trong khi đó, bà Lê Thị Ngọc Dung, Sở Tư pháp Thành phố, có chung sự quan tâm với bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Thành phố khi cho rằng, khoản 2, điều 41 quy định “Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 điều này, bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó”, cần bổ sung thêm vào cuối điều khoản yếu tố “xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, để trả lời câu hỏi "thông báo để làm gì".
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức có nhận xét, điểm d, điều 3, quy định về hành vi bạo lực gia đình “bỏ mặc, không quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, người cao tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc”- đây là điểm duy nhất quy định về hành vi không hành động của “hành vi bạo lực gia đình”. Để đảm bảo tính công bằng, chính xác, cần bổ sung điểm d, điều 3 thêm yếu tố “cố ý dù có đủ điều kiện”, tránh trường hợp áp dụng với người vô ý hoặc không có đủ điều kiện thực hiện nội dung trong điều luật.
Các đại biểu dự Hội thảo cũng đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật về bổ sung, sửa đổi nội hàm của “hành vi bạo lực gia đình”; “những hành vi bị nghiêm cấm”, các quy định liên quan đến công tác báo tin, xử lý tin báo tố giác bạo lực gia đình; trách nhiệm và công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình; thêm yếu tố không gian trong điều luật quy định hiệu lực thi hành…
Các đại biểu cũng trao đổi về một số vấn đề còn chưa thống nhất như nên hay không nên có điều khoản quy định về đối tượng điều chỉnh của luật; quy định tháng 11 là Tháng phòng, chống bạo lực gia đình, vì trong tháng có ngày 25/11 là “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ”…
Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sau khi chỉnh lý ngày 14/9/2022 còn 6 chương và 56 điều, tăng 11 điều so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.