Đoàn đại biểu đã dành phút mặc niệm, tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng - tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, tinh thần anh dũng, bất khuất, đức tính khiêm tốn, trong sáng, chân thành, giản dị của người chiến sĩ cộng sản, một nhân cách lớn, người cộng sản tiêu biểu của giai cấp công nhân Việt Nam.
Cùng ngày, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức Lễ tưởng niệm 41 năm ngày mất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tri ân người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam, người đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ông Phạm Thành Nam - Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng cho rằng, tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn mãi với non sông, sống mãi trong lòng dân tộc và trong trái tim nhân loại.
Gần 70 năm cống hiến cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng đã được Đảng và nhân dân tín nhiệm, giao phó nhiều trọng trách quan trọng như: Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban Ban Thường trực Quốc hội và trọng trách cao nhất là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dù ở cương vị nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng thể hiện phẩm chất đạo đức cao quý của người cách mạng, luôn sống bình dị, thanh cao, chân thành, hòa mình với quần chúng, chí công vô tư, hết lòng vì nước, vì dân.
Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người đầu tiên vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng huân chương cao quý nhất - Huân chương Sao Vàng. Người để lại cho Đảng, nhân dân, các thể hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, tấm gương đạo đức sáng ngời. Người được ví như đại thụ trong rừng cây đại đoàn kết dân tộc, đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đưa ngọn cờ độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội đi đến đích thống nhất đất nước.
Ông Phạm Thành Nam cho biết, dịp này, cơ quan chức năng đề xuất chủ trương đầu tư dự án cơ sở 2 Bảo tàng Tôn Đức Thắng tại khu đất Di tích lịch sử quốc gia ở số 2 đường Tôn Đức Thắng (tức khu Ba Son trước đây). Do đó, Bảo tàng mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp về hiện vật, tư liệu, hình ảnh từ tổ chức, cá nhân để hoàn thiện các bộ sưu tập, làm phong phú, đa dạng nội dung trưng bày, tuyên truyền về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đáp ứng yêu cầu đổi mới trưng bày bảo tàng.