Nhiều ý kiến cho rằng, cho rằng dự thảo luật quy định bổ sung kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết; tuy nhiên, việc kinh doanh dược là hết sức đặc thù, vì ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người dân.
Đánh giá kỹ quy định về kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử
“Với kinh doanh dược thông thường, chúng ta đã có những quy định chặt chẽ, thì với kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử cần phải có những quy định chặt chẽ hơn”, nêu ý kiến điều này, đại biểu Lê Văn Cường (Thanh Hóa) chỉ ra thực tế thời gian qua, việc kinh doanh nói chung thông qua các nền tảng mạng xã hội nở rộ, thực hiện một cách tự phát, không có giới hạn về thời gian, không gian giao dịch. Người dân có thể tiếp cận thuốc một cách nhanh chóng, đa dạng trong lựa chọn, song lại có nguy cơ cao đối mặt với nhiều loại thuốc giả, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo đại biểu, các quy định liên quan đến kinh doanh dược thông qua phương thức thương mại điện tử mới chỉ là những quy định rất chung, chưa có tính đặc thù, chưa chặt chẽ đối với kinh doanh dược.
Có cần phải thực hiện việc đăng ký loại hình kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử hay không; cách tổ chức, điều kiện con người, cơ sở vật chất để vận hành giao dịch bao gồm cả thuốc và nguyên liệu làm thuốc quy định như thế nào, trách nhiệm pháp lý liên quan của các bên, chủng loại thuốc kê đơn hay không kê đơn... Đặt ra hàng loạt vấn đề, đại biểu Lê Văn Cường đề nghị việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử cần được rà soát, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng hơn, quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn để có đủ cơ chế kiểm soát và bảo vệ tốt tính mạng, sức khỏe của người dân.
Chung ý kiến với đại biểu Cường, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) nhận định, do thời đại công nghệ thông tin phát triển, giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến, quy định này sẽ phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, thuốc là loại mặt hàng khá đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng. Hiện nay, đại đa số người dân có những triệu chứng bệnh lý thông thường như nhức đầu, đau bụng... thường tự ý mua thuốc điều trị rất dễ dàng mà không phải đến cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh hay cần có đơn thuốc của bác sỹ. Do đó, cần phải có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử, đồng thời phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro có thể phát sinh nhằm bảo vệ người sử dụng được an toàn.
Quan tâm đến quy định siết chặt hình thức kinh doanh mua bán qua môi trường mạng, đại biểu cho biết, hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân xưng danh là bác sĩ, dược sĩ, lương y để quảng cáo các loại thuốc trên mạng, thuốc đặc trị ung thư, huyết áp, tiểu đường, đau nhức... Lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý vi phạm, cũng như thu hồi thuốc khi không đạt chất lượng.
Để khắc phục được tình trạng trên, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng mua được thuốc đúng chất lượng, tránh tình trạng bị lừa đảo, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân và tuổi thọ giống nòi, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về kiểm tra, kiểm định chất lượng thuốc trước khi cấp giấy phép lưu hành.
Bên cạnh đó, có những biện pháp chế tài đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất thuốc giả, kém chất lượng và có đánh giá tác động, đánh giá lợi ích, rủi ro, hậu quả với người bệnh khi mua thuốc trực tuyến; mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời rà soát quy định về thương mại điện tử để đảm bảo phù hợp với Luật Giao dịch điện tử.
Nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý
Thẳng thắn chỉ ra rằng, “quản nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà chúng ta tính tới bán online thì có rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý trên không gian mạng”, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh), các nội dung trong dự thảo luật về bán thuốc của sàn giao dịch điện tử “còn rất đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi”.
“Trong mọi trường hợp, tôi đề nghị tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử. Còn đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn nền pháp lý của chúng ta đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong khuôn khổ an toàn và trật tự hơn. Hiện nay chưa phải giai đoạn chín muồi và công tác chuẩn bị chưa đầy đủ”, đại biểu Lan nhấn mạnh.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung điều khoản bồi thường khi người bệnh sử dụng phải thuốc giả mà trong trường hợp thuốc giả nhưng lại có số đăng ký thật và hệ thống phân phối là hợp pháp. Nhà nước phải chịu trách nhiệm khi người dân phải tự mua thuốc ngoài do cơ sở y tế thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế, hoặc phải đi tiêm dịch vụ do cơ sở y tế thiếu vaccine trong khi chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng bị thiếu.
Dễ phát sinh cơ chế “xin - cho”
Tán thành với quy định cải thiện quy trình, thủ tục cấp số đăng ký thuốc để ưu tiên phát triển công nghiệp dược, song đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, cần xem xét gốc rễ của vấn đề. Hiện nay, chúng ta đang ở tình trạng cấp số đăng ký không có định hướng, chỉ xét trên hồ sơ, có nghĩa là bất cứ quốc gia nào, bất cứ sản phẩm nào chỉ cần có công ty đứng ra đăng ký thì sẽ được xét cấp ở nước ta. Do đó, sẽ dẫn đến quá tải, chậm cập nhật các thuốc mới và nhiều số đăng ký trong một hoạt chất, kể cả thuốc đã được sản xuất trong nước, nên dễ phát sinh cơ chế “xin - cho”, tiêu cực và cũng như khó lựa chọn thuốc trong đấu thầu. Cuối cùng chỉ chọn giá rẻ.
“Việt Nam có 22.000 số đăng ký cho 800 hoạt chất, trong khi Singapore chỉ có 10.000 số đăng ký nhưng cho tới 1.200 hoạt chất. Vì vậy, dự thảo luật cần có định hướng thuốc nào cần ưu tiên, thuốc nào cần hạn chế cấp số đăng ký, và muốn hạn chế thì phải sử dụng hàng rào kỹ thuật, thẩm định điều kiện sản xuất thực tế, chứ không chỉ trên giấy tờ”, đại biểu này nói.
Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nghịch lý khi chúng ta ưu tiên sản xuất trong nước, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp dược tên tuổi trong nước gần như 100% đã bị vốn ngoại thôn tính do khi chúng ta mở room cho kênh đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược theo Nghị định 60/NĐ-CP năm 2015 và Nghị định 155/NĐ-CP năm 2020. Từ đây sẽ dẫn đến những hệ lụy về mất an ninh dược phẩm và Luật Dược cần thể hiện vai trò luật chuyên ngành, phải có các quy định về điều kiện cần thiết chi phối sâu hơn vai trò và quyền hạn nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh đa ngành khi muốn bước vào đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thế mạnh của chúng ta là phát triển dược liệu, thuốc đông y nhưng những điều khoản quy định trong dự thảo luật thì chưa đủ, cần có cơ chế cụ thể, trực tiếp hơn để tháo gỡ các khó khăn cho phát triển công nghiệp dược. Hiện nhiều bài thuốc không đăng ký làm thuốc đông dược được mà phải chuyển sang đăng ký làm thực phẩm chức năng, đó là về vấn đề sản xuất. Còn về vấn đề phân phối thì ở đây có thể nói là thực trạng bùng nổ gia tăng số lượng các công ty phân phối bán buôn và nhà thuốc bán lẻ.
Cho ý kiến vào nội dung bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng mở rộng một bước quyền của các cơ sở này trong dự thảo luật, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh nội dung của dự thảo luật cho phù hợp và bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về thương mại, nhất là về nội hàm của hoạt động phân phối, vận chuyển, bảo quản, gia công quy định tại Khoản 4, Điều 3 của Luật Thương mại. Đồng thời rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo việc thực hiện quyền của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam đã cam kết tại các điều ước quốc tế, trong đó có CPTPP.
Đại biểu này cho biết, Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất trong khu vực ASEAN chưa mở cửa cho dịch vụ phân phối thuốc theo các Hiệp định thương mại tự do của các WTO, CPTPP, EVFTA. Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho phân phối dược phẩm nhưng không bảo lưu quyền tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics.
“Việc tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát huy sự tự chủ, nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước và của ngành công nghiệp dược. Nên chăng chúng ta cân nhắc việc mở rộng từng bước quyền của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài, cho phép mở rộng dịch vụ bảo quản và vận chuyển đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI có đủ năng lực về kho bãi, cơ sở trong trung chuyển hàng hóa”, đại biểu đề xuất.