Sau hội nghị này, Ban Chỉ đạo tiếp tục chắt lọc các ý kiến phát biểu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện báo cáo tổng kết, trình Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị thảo luận, xem xét ban hành các chủ trương để phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tới.
Dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhận thức về quan điểm phát triển kinh tế tập thể của các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực. Từ chỗ chưa nhận thức đầy đủ, thống nhất về bản chất của tổ chức hợp tác xã đến nay đã từng bước hiểu rõ bản chất hợp tác xã là phục vụ và đem lại lợi ích thành viên; thấy được vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Người dân đã từng bước phân biệt sự khác nhau giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, giữa hợp tác xã kiểu cũ với hợp tác xã kiểu mới; giữa hợp tác xã với các tổ chức xã hội, từ thiện. Qua đó, tâm lý người dân dần được xóa bỏ những mặc cảm do mô hình hợp tác xã kiểu cũ để lại. Nhận thức của nhân dân về mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 được nâng cao.
Theo báo cáo của 61/63 tỉnh, thành phố (không có số liệu của Bắc Ninh, Gia Lai), đến hết năm 2018, cả nước có 101.405 tổ hợp tác, tăng 587 tổ hợp tác so với thời điểm cuối năm 2003, thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia (bình quân một tổ hợp tác có trên 13 thành viên), tăng khoảng 57,3% so với năm 2003. Doanh thu bình quân của 1 tổ hợp tác là 408 triệu đồng/năm, lãi bình quân 61,2 triệu đồng/năm, tăng 127,5% so với năm 2003. Thu nhập bình quân của 1 lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 26 triệu đồng/năm, tăng 21% so với năm 2003.
Hết năm 2018, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số hợp tác xã tăng 8.513 hợp tác xã so với năm 2003, trong khi số thành viên hợp tác xã giảm 358.246 người. Trong giai đoạn 2003-2018, cả nước có 19.872 hợp tác xã thành lập mới, giải thể khoảng 11.230 hợp tác xã.
Ý kiến tại cuộc họp cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm tới kinh tế tập thể. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, có tỉnh có đến 300 - 400 hợp tác xã nhưng quan hệ tín dụng chỉ có 5 hợp tác xã, vay nợ chưa được 8 tỷ đồng, đây là con số quá nhỏ: “Tôi đi tìm hiểu lĩnh vực hợp tác xã ở địa phương rất nhiều, đặc biệt tìm hiểu quan hệ tại sao tín dụng không vào được mô hình hợp tác xã, vào rất ít. Thậm chí, nhiều địa phương rất khó khăn, mô hình hợp tác xã không vay vốn được, nhưng thành viên hợp tác xã lại vay vốn rất nhiều".
Chỉ ra thực tế “ngân hàng không thể cho vay nổi chứng tỏ hợp tác xã chỉ có tên, còn hoạt động rất èo uột”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng rất muốn cho vay nhưng hợp tác xã không có tài sản thế chấp và không có phương án tài chính rõ ràng, không minh bạch, nên không thể cho vay một cách tùy tiện.
Về mô hình quỹ tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mô hình này ra đời cách đây 30 năm và ngày nay không thể nhìn quỹ tín dụng giống như 30 năm về trước, cả về sự cần thiết tất yếu. Trước đây là rất cần thiết vì khi đó mục tiêu ra đời quỹ tín dụng là để khai thác nguồn lực tại chỗ, cho vay vốn tại chỗ, giải quyết cho những người khó khăn thiếu vốn tại chỗ, rất hợp lý. Đến nay có khoảng 1.200 quỹ. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, các ngân hàng đã tràn xuống cơ sở, thậm chí thời đại công nghệ hiện nay giúp ngân hàng có thể cho vay trực tuyến, trong khi cơ chế quản lý quỹ tín dụng vẫn theo mô hình cũ và đang đối mặt với sự cạnh tranh của ngân hàng thương mại, không chắc các quỹ này tồn tại được.
Nêu quan điểm về mục tiêu phát triển 15.000 hợp tác xã kiểu mới, ông Đào Minh Tú cho biết, đối với quỹ tín dụng “chúng tôi không những không phát triển thêm mà thậm chí còn muốn co hẹp số lượng lại, vì sự đổ vỡ của nó dẫn đến hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế”. Theo ông, mô hình quỹ tín dụng có điều kiện chặt chẽ, khắt khe hơn các loại hình hợp tác xã khác, nên phạm vi hoạt động không mở ra. Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tư tiếp tục siết lại phạm vi hoạt động, mỗi quỹ chỉ được hoạt động trong một xã, nếu hoạt động nhiều xã, cho vay nhiều xã sẽ trở thành ngân hàng đại chúng, không còn là quỹ tín dụng nhân dân và nó sẽ đổ vỡ ngay. Hiện có một số quỹ bị đổ vỡ, đã và đang phải xử lý rất phức tạp, xuất phát từ bản chất mô hình và cơ chế, chính sách cho quản lý hệ thống quỹ tín dụng.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá, 15 năm thực hiện Nghị quyết 13, mặt được là năng lực nội tại của kinh tế tập thể, hợp tác xã tăng lên, đồng thời nhận thức của người dân, hệ thống chính trị, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ hợp tác xã, vốn, tài chính cũng tăng lên, doanh thu tăng 3,2 lần. Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả tăng, lợi ích mang lại cho thành viên rõ nét, đóng góp cho sự phát triển thị trường lao động chính thức, bình đẳng giới và đóng góp phát triển kinh tế - xã hội. Song, ông cũng chỉ ra những mặt yếu kém, đó là hầu hết hợp tác xã là siêu nhỏ. Sự quan tâm và các chính sách cho mô hình tổ hợp tác phát triển và thống kê, đánh giá còn rất khác nhau.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, mặc dù còn khó khăn, nhưng đến nay kinh tế tập thể đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài và có bước phát triển khởi sắc. Khoảng 50% hợp tác xã phát triển hiệu quả, tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên, người lao động, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (khoảng 6% GDP). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng hoạt động của hợp tác xã còn nhiều tồn tại. Sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với kinh tế tập thể không đồng đều.
Có những địa phương khó khăn nhưng kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển tốt như Hà Giang, Sơn La… nhưng nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển. Phó Thủ tướng cho rằng, để đánh giá hiệu quả của kinh tế tập thể không chỉ tập trung vào số lượng hợp tác xã, quy mô tài sản, doanh thu mà phải tính tới sự đóng góp tổng thể về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự tại cơ sở, giảm chi phí đầu vào, gia tăng giá trị đầu ra cho từng thành viên của kinh tế tập thể theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 13.
Phó Thủ tướng chỉ ra rằng, theo quy luật của thế giới, tổ hợp tác và hợp tác xã tăng không nhiều nhưng số lượng thành viên tăng nhanh, ở Việt Nam ngược lại, “chỉ phát triển chỉ tiêu số lượng hợp tác xã nhưng cái mấu chốt quan trọng là số lượng thành viên lại không quan tâm”. Sự quan tâm của các địa phương trong phát triển hợp tác xã không đồng đều, quản lý nhà nước không thống nhất, hợp tác xã vẫn phát triển manh mún… Một vấn đề khác được Phó Thủ tướng chỉ ra là chính sách không đi vào cuộc sống, hồn cốt của Nghị quyết 13 là về chính sách, nhưng dự thảo báo cáo tổng kết không nói đầy đủ, không phân tích rõ. Đề án không đi vào trọng tâm, trọng điểm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cho cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành phải xác định rõ thực trạng và yêu cầu phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay. Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 cần đánh giá cụ thể các vấn đề trên cũng như định hướng trong thời gian tới. Phó Thủ tướng đặt ra trường hợp doanh nghiệp “đội lốt”, “núp bóng” hợp tác xã để hoạt động và chính sách cho phép thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã nhưng qua thực tiễn, nhiều hợp tác xã lại đề nghị được chuyển đổi thành doanh nghiệp; việc xử lý triệt để các hợp tác xã không thể giải thể, chuyển đổi được vì vướng nợ khê đọng, hay tỷ lệ cung ứng sản phẩm ra ngoài hợp tác xã khi đã cung cấp đầy đủ dịch vụ cho thành viên,... với yêu cầu báo cáo phải đánh giá được thực trạng này.
Về vấn đề luật pháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, hợp tác xã và tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp là phổ biến, có đặc thù riêng, vì gắn chặt chẽ với sử dụng đất đai và kinh tế hộ gia đình, các bộ, ngành cần thảo luận về việc có cần phải xây dựng luật riêng về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên cơ sở hệ thống pháp lý hiện nay.