Mô hình này hầu hết đều hoạt động dưới dạng phi lợi nhuận và kinh doanh nhiều dịch vụ từ sản xuất, phân phối đến các hoạt động tài chính như tín dụng, bảo hiểm nhằm hỗ trợ các thành viên.
Tại cơ sở thu mua, chế biến nông sản của hợp tác xã nông nghiệp JA Zennoh tỉnh Ibaraki, hoạt động thu mua nông sản từ những người nông dân trong khu vực để cung cấp cho thị trường diễn ra hàng ngày. Hợp tác xã JA Zennoh đang phân phối tới 30% nông sản của tỉnh Ibaraki ra thị trường.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Nakaigawa Hiroshi, Trưởng bộ phận thu mua, chế biến gạo thuộc hợp tác xã nông nghiệp JA Zennoh, cho biết cơ sở mà ông đang phụ trách sẽ thu mua thóc từ các hội viên chủ yếu thuộc tỉnh Ibaraki. Sau đó, cơ sở tiến hành xay, xát tạo ra các sản phẩm gạo được kiểm định chặt chẽ để đóng gói và phân phối tới người tiêu dùng với thương hiệu “JA Ibaraki”. Cơ sở này được thành lập từ năm 1986 và tùy theo nhu cầu của hội viên sẽ có thể mở rộng sản xuất.
Mô hình hợp tác xã của Nhật Bản được đánh giá đang rất có hiệu quả. Khảo sát về mô hình này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong chuyến công tác tới Nhật Bản từ ngày 4-10/11 cho rằng có ba nguyên nhân giúp hợp tác xã của Nhật Bản hoạt động hiệu quả. Thứ nhất đây là hợp tác xã của người dân, quản trị rất dân chủ. Thứ hai là luật pháp của Nhật Bản, mỗi mô hình hợp tác xã đều có luật riêng. Điểm thứ ba là vận hành và quản trị hợp tác xã hoàn toàn theo cơ chế thị trường, sự hỗ trợ của nhà nước không đáng kể.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng được mô hình hợp tác xã của Nhật Bản. Giống như Nhật Bản, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển số lượng thành viên, đa dạng hóa các dịch vụ, sát nhập lại để có quy mô đủ lớn, tăng sức cạnh tranh giảm chi phí đầu vào, vừa phát triển thị trường nội địa vừa phát triển thị trường bên ngoài .
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho biết Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã đề nghị với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Liên đoàn hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản giúp phái cử các chuyên gia sang Việt Nam để cùng hoàn thiện đề án đổi mới mô hình tạo điều kiện cho hợp tác xã Việt Nam hoạt động theo hướng thị trường.
Mô hình hợp tác xã tiêu dùng (JCCU) và mô hình hợp tác xã nông nghiệp (JA) của Nhật Bản đang có hoạt động rất hiệu quả và được chia làm ba cấp gồm cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp cơ sở. Nhật Bản hiện có trên 600 hợp tác xã nông nghiệp, với hơn 8,6 triệu hộ nông dân.