Tuyến phòng thủ “Lá chắn thép Phan Rang”
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Đại đội trưởng Đại đội đặc công 311 (Tỉnh đội Ninh Thuận) hồi nhớ về những ngày tham gia kháng chiến. Ông Nghĩa chia sẻ: Năm 1962, ông rời quê hương Bến Tre lên Mật khu R, căn cứ địa cách mạng thuộc Chiến khu Bắc Tây Ninh (Trung ương Cục miền Nam) tham gia huấn luyện, chiến đấu tại mặt trận Đông Nam Bộ. Đến giữa năm 1965, ông được cấp trên điều động về công tác ở Ninh Thuận.
Từ năm 1962 đến 1975, ông Nghĩa đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ với 11 lần bị thương nặng, có lúc tưởng như cận kề cái chết, nhưng ông cùng đồng đội đã lập lời thề chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, luôn tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ về một ngày thắng lợi hoàn toàn. Trong những trận đánh ác liệt ấy, ông Nghĩa nhớ như in trận đánh vào tháng 4/1975 góp phần đập tan “Lá chắn thép Phan Rang” do chế độ Việt Nam Cộng hòa dựng nên.
Ông Nghĩa cho hay: Đầu năm 1975, sau khi thất thủ ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và nhiều địa bàn trọng yếu các tỉnh dọc Duyên hải miền Trung, chính quyền Việt Nam Cộng hòa hốt hoảng tìm mọi cách trấn giữ Sài Gòn. Chúng vội vã xây dựng tuyến phòng thủ mạnh ở Phan Rang, hô hào “tử thủ” để bảo vệ Sài Gòn từ xa, ý đồ của chúng phải giữ cho bằng được Phan Rang, lập lá chắn ở đây để chặn đường bộ, đường biển của quân giải phóng.
Tại Phan Rang, quân địch tăng cường tập trung lực lượng gồm: Sư đoàn không quân số 6, 2 Trung đoàn và Tiểu đoàn bộ binh, 1 Liên đoàn biệt động quân, 2 chi đoàn xe tăng, 1 hạm đội ở ngoài khơi sẵn sàng chi viện. Tất cả các đơn vị trên được bố trí tạo thành tuyến phòng thủ dày đặc từ Du Long vào đến Trung tâm thị xã Phan Rang và Sân bay Thành Sơn, do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 trực tiếp chỉ huy.
Về phía ta, quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong tháng 4/1975, sau khi hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng được giải phóng từ các ngày 2 đến 3/4/1975, Khu ủy và Quân khu 6 chỉ đạo Tỉnh ủy Ninh Thuận phải phát huy mọi lực lượng ở đồng bằng và căn cứ tiến ngay ra phía trước tấn công địch, cùng quần chúng nổi dậy giải phóng quê hương.
Để bảo vệ lực lượng chốt giữ trong tuyến phòng thủ, địch liên tục cho máy bay bắn phá các khu vực nghi có lực lượng của ta đóng quân, phá sập cầu cống ở hai hướng Quốc lộ 1 và đường 11 để ngăn chặn bước tiến của quân ta. Lúc này, ông Nghĩa được Tỉnh đội Ninh Thuận giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội Đặc công 311 thực hiện nhiều cuộc tấn công ngăn chặn, tiêu diệt tàn quân địch từ Đà Lạt tháo chạy theo đường 11 xuống Ninh Thuận để ra Quốc lộ 1 chạy về Sài Gòn.
Trong một trận đánh đêm 2/4/1975, trên đường 11, tại địa phận các ấp Trà Giang – Sông Mỹ, quân địch từ Đà Lạt tháo chạy xuống đã điên cuồng dùng pháo 105 ly bắn phá ác liệt để mở đường xuống Phan Rang, nhưng gặp phải sự chống trả quyết liệt của Đại đội Đặc công 311 và bộ đội địa phương. Lực lượng địch ở quận lỵ K’rông Pha rúng động, tháo chạy tán loạn. Trong trận đánh này, ông Nghĩa trúng đạn bị thương nặng và được đơn vị đưa về căn cứ Bác Ái chữa trị.
Ông Nghĩa nhớ lại: "Lúc này quân địch ở Phan Rang rất hoang mang, bỏ chạy về Sài Gòn rất nhiều. Cấp trên yêu cầu Đại đội Đặc công 311 hỗ trợ đánh vào Phan Rang, sân bay Thành Sơn, để giữ vững cơ sở, khi thời cơ đến sẽ giải phóng Ninh Thuận sớm nhất. Với quyết tâm chiến đấu, dù đang bị đau đầu, chảy máu cam, nhưng tôi cố gắng chống gậy xuống Tháp Chàm tiếp tục chỉ huy đơn vị đặc công hoạt động bí mật trong lòng thị xã Phan Rang, phối hợp với quân chủ lực Sư đoàn 3 Sao Vàng, cùng bộ đội địa phương tấn công quân địch trong thị xã nhằm xé toạc tuyến phòng thủ Phan Rang."
Đến 19 giờ ngày 7/4/1975, Đại đội Đặc công 311 chia làm ba mũi tấn công, phối hợp cùng lực lượng vũ trang trong thị xã Phan Rang tấn công quân địch ở trại Nguyễn Hoàng, Ga Tháp Chàm, Cầu Móng, ngã ba Tháp Chàm, quận lỵ Bửu Sơn. Quân địch ở phi trường Thành Sơn tung lực lượng ra phản kích quyết liệt, nhưng Đại đội Đặc công 311 và bộ đội địa phương vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu suốt 2 ngày đêm trong lòng địch, đánh lui 16 đợt phản kích, kêu gọi hơn 200 tên địch đầu hàng quân cách mạng, thu giữ gần 500 khẩu súng các loại khiến quân địch ở Phan Rang suy yếu.
Trận đánh mang tính quyết định giải phóng Ninh Thuận
Để đập tan tuyến phòng thủ từ xa, Tư lệnh cánh quân duyên hải, Thượng tướng Lê Trọng Tấn quyết định sử dụng Sư đoàn 3 (Quân khu 5), Trung đoàn 25 Tây Nguyên và Quân khu 6 cùng các lực lượng tại Ninh Thuận lên kế hoạch tấn công “Lá chắn thép Phan Rang”; đồng thời giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang Ninh Thuận chủ yếu là bộ đội đặc công phục vụ cung cấp tình hình trinh sát dẫn đường, hiệp đồng đánh địch, truy quét tàn quân.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhớ lại: Sáng 14/4/1975, quân chủ lực bắt đầu tiến công, sử dụng trọng pháo và xe tăng đột kích đánh thẳng vào tuyến phòng thủ của địch trên đường 1 tại khu vực Du Long–Kiền Kiền. Địch bị vỡ phòng tuyến, tháo chạy tán loạn về hướng thị xã Phan Rang. Đến khu vực Ba Tháp – Hộ Diêm, quân địch tiếp tục bị Đại đội Đặc công 311 từ căn cứ Cà Đú xuống đánh tạt sườn gây tổn thất nặng nề. Quân ta chiếm các vị trí dọc đường 1, đường 11, áp sát Sân bay Thành Sơn và Cảng Ninh Chữ.
Rạng sáng 16/4/1975, từ các hướng, bộ binh và xe tăng của quân giải phóng đồng loạt tiến công các mục tiêu trong thị xã Phan Rang. Đến 9 giờ 30 phút cùng ngày, Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa hành chính tỉnh Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Trước sức tấn công như vũ bão của quân ta trên các hướng, các mũi, quân địch chống cự yếu dần rồi bỏ vũ khí tháo chạy hỗn loạn.
Sau khi dẫn đường cho quân chủ lực đánh chiếm các mục tiêu, được lệnh cấp trên, Đại đội Đặc công 311 lập các chốt trên các tuyến đường quan trọng của thị xã Phan Rang. Đến 19 giờ ngày 16/4/1975, ông Nghĩa chỉ huy đơn vị truy lùng, lục soát các khu vực ẩn náu của tàn quân địch ở Phan Rang, bắt được Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Phó Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 và Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 đang tìm cách bỏ trốn, giao cho quân chủ lực Sư đoàn 3 Sao Vàng xử lý.
Ngày 16/4/1975, tuyến phòng thủ Phan Rang bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn Trọng Nghĩa tiếp tục công tác trong quân đội. Đến năm 1988, ông Nghĩa xin nghỉ hưu ở cấp bậc Trung tá. Với thành tích chiến đấu, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý, trong đó có Huân chương Chiến công các hạng Nhất, Nhì và Ba và đang làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 2005, ông Nghĩa công tác tại Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Thuận, sau đó được bầu làm Chủ tịch Hội, đến cuối năm 2017 vì lí do sức khỏe, ông Nghĩa về nghỉ hưu. Dù ở cương vị nào, ông Nguyễn Trọng Nghĩa vẫn luôn phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ, hào hùng vẫn đầy ắp trong những câu chuyện mà người lính đặc công Nguyễn Trọng Nghĩa thường kể cho người thân, đồng đội. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, những đóng góp của ông đã thắp lên tình yêu quê hương, đất nước, truyền đến con cháu và thế hệ trẻ ở Ninh Thuận hôm nay.