Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận giữ nguyên quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính nhưng nghiên cứu tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và giữ mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như hiện hành.
Dự án Luật về cơ bản được tiếp thu theo hướng này, tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Đề nghị này không trái với quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, hơn nữa thực tế cũng có nhiều mô hình thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp.
Nhưng, để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Bộ Tài chính, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung điều lệ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Băn khoăn trước đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: Đây là vấn đề lớn cần thảo luận kỹ. Bởi, theo luật hiện hành chỉ có Bộ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước... thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Đối với mô hình của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng Vai trò chỉ đạo, chi phối của Nhà nước tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là rất cần thiết, bởi những biến động về thị trường tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia. Trên cơ sở rà soát, thống nhất với khái niệm về doanh nghiệp Nhà nước tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định "Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp".
Kết thúc phần thảo luận về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thể hiện sự đồng tình với việc tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhưng tăng như đề xuất của Uỷ ban Kinh tế là "không nên đặt ra".
Cũng tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu, Chính phủ chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua; đồng thời, rà soát, sửa đổi các văn bản dưới luật bảo đảm việc thực hiện đúng, đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015.
Theo đó, các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện nộp ngân sách Nhà nước các khoản chi cho hỗ trợ sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bổ sung vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do ngân sách Nhà nước bố trí. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm kiến nghị của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015.
Cũng trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có Luật Ngân sách Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Tất cả phải quản lý theo đúng pháp luật về ngân sách nhà nước. Không để ngoài ngân sách và không thành lập Quỹ. Tất cả các khoản thu của Nhà nước phải được đưa vào ngân sách Nhà nước. Tất cả khoản chi của Nhà nước phải được dự toán.