Tỉnh Đồng Nai có 5.897,70 km2 diện tích tự nhiên, dân số trên 2,843 triệu người; có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện); và 171 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Long Thành có 430,79 km2 diện tích tự nhiên, dân số 240.093 người; có 15 đơn vị hành chính cấp xã gồm 1 thị trấn và 14 xã.
Điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã gồm: Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn và giải thể xã Suối Trầu thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Sau khi điều chỉnh, diện tích và dân số các xã trên có sự thay đổi; trong đó xã Bình Sơn được điều chỉnh lên, từ 45,31 km2 với dân số 13.057 người lên 74,21 km2 diện tích tự nhiên (trong đó đất thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 50 km2) và dân số 23.427 người.
Huyện Long Thành không thay đổi về diện tích tự nhiên và dân số nhưng giảm 1 xã (Suối Trầu). Cụ thể, huyện còn 14 xã đơn vị hành chính cấp xã, gồm 1 thị trấn và 13 xã.
Tỉnh Đồng Nai không thay đổi về diện tích tự nhiên và dân số nhưng giảm 1 xã (Suối Trầu).
Huyện Long Thành nằm ở phía Nam của tỉnh Đồng Nai, cách thành phố Biên Hòa 33 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 60 km và cách thành phố Vũng Tàu 60 km, có vị trí giữ vai trò là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã được đưa vào hoạt động, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai thực hiện.
Trên địa bàn huyện hiện có Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo kế hoạch thì tổng diện tích của Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành dự kiến là 50 km2 (chiếm 11,61% tổng diện tích tự nhiên của huyện Long Thành), nằm trên địa bàn các xã Bình Sơn; Cẩm Đường; Long An; Long Phước; Bàu Cạn; Suối Trầu thuộc huyện Long Thành.
Thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã và đang khẩn trương tập trung chỉ đạo xây dựng báo cáo Đề án khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Theo đó, Dự án có diện tích thu hồi lớn (50 km2), liên quan đến địa giới hành chính của các xã Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn, Suối Trầu và ảnh hưởng đến cuộc sống của 4.864 hộ dân.
Từ thực tế đó, để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành thuận lợi; bảo đảm cho người dân trong vùng dự án bị giải tỏa sớm ổn định đời sống sau khi di dời, có điều kiện sinh hoạt tốt, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện và để hoạt động điều hành, quản lý nhà nước trên những địa bàn bị tác động ảnh hưởng được liên tục, hiệu lực, hiệu quả, vì vậy việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn và giải thể xã Suối Trầu là cần thiết, phù hợp với thực tế đang diễn ra trên địa bàn các xã này và được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Sự cần thiết thành lập 5 phường thuộc thị xã Long Khánh
Các xã Xuân Lập, Xuân Tân, Bảo Vinh, Suối Tre, Bàu Sen thuộc thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai có vị trí giáp ranh trực tiếp với khu vực nội thị hiện nay và có hệ thống giao thông thuận lợi nên trong những năm qua có sự phát triển đồng bộ về kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa cao. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại – dịch vụ; phát triển mạnh các ngành nghề kinh doanh - thương mại, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên địa bàn các xã đều chiếm trên 80%; tổng thu ngân sách hàng năm của các xã đều đạt và vượt chỉ tiêu của thị xã giao.
Thị xã Long Khánh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với vùng kinh tế chiến lược Đông Nam Bộ, cao nguyên và miền Trung, có nhiều tuyến đường giao thông đi qua, giữ vị trí rất quan trọng về các mặt chính trị - kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng đối với tỉnh và cả khu vực.
Với lợi thế là vị trí cửa ngõ giao thông của vùng, liên kết với khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên thông qua các tuyến đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tương lai có tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, thị xã Long Khánh có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Tờ trình, các đề án, báo cáo thẩm tra, dự thảo nghị quyết; biểu quyết thông qua việc thành lập 5 phường gồm: Xuân Lập, Xuân Tân, Bảo Vinh, Suối Tre, Bàu Sen thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai.
Các phường Xuân Lập, Xuân Tân, Bảo Vinh, Suối Tre, Bàu Sen thuộc thị xã Long Khánh được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã cùng tên trước đây thuộc thị xã Long Khánh.
Thành phố Long Khánh được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 191,64 km2, dân số 171.276 người và 15 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Long Khánh.
Địa giới hành chính thành phố Long Khánh: phía Đông giáp huyện Xuân Lộc; phía Tây giáp huyện Thống Nhất; phía Nam giáp huyện Cẩm Mỹ; phía Bắc giáp huyện Định Quán.
Sau khi thành lập 5 phường, thành lập thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 thành phố và 9 huyện); 171 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 34 phường, 6 thị trấn và 131 xã).
Thành phố Long Khánh có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 phường và 4 xã.