Làm việc với đoàn có ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Kiên Giang cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy định an toàn trong chăn nuôi, nhất là những hộ nhỏ lẻ.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại buổi làm việc. |
Rà soát lại hệ thống văn bản quản lí trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, cần cụ thể hóa chủ trương bằng những việc làm thiết thực, sát với tình hình chăn nuôi địa phương. Bà Nguyễn Thúy Anh cũng gợi ý Kiên Giang là địa phương có nhiều tiềm năng về xã hội hóa, vì thế cần huy động nguồn lực từ cộng đồng tham gia vào các công đoạn sản xuất, chế biến theo hướng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng…
Sau 5 năm thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, nhận thức của đơn vị sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Ý thức tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân được tốt hơn, số vụ ngộ độc đông người giảm đáng kể.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh những mặt hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, giúp công tác quản lí nhà nước trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, qua đánh giá của các ngành chức năng của tỉnh Kiên Giang cho thấy, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế.
Giai đoạn 2011 - 2016, Kiên Giang vẫn chưa thực hiện được quy hoạch sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các hoạt động về an toàn thực phẩm theo kế hoạch. Hiện tại, toàn tỉnh có trên 6.500 ha sản xuất rau màu, sản lượng trên 143.000 tấn/năm. Thế nhưng, chỉ có 25 ha được sản xuất theo quy VietGap.
Bên cạnh đó, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, kiến thức về sản xuất rau an toàn hạn chế, nguồn nước tưới chủ yếu là ao hồ, kênh rạch, dư lượng thuốc trừ sâu vẫn còn nên nguồn rau cung ra thị trường chưa thật sự đảm tiêu chuẩn chất lượng. Chính vì thế, Kiên Giang cần quan tâm công tác quy hoạch, chính quyền phải vào cuộc làm đầu mối hướng dẫn người dân thực hiện các quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sáng cùng ngày (3/1), qua kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Đoàn giám sát đánh giá, công tác quản lí, kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm đã được các đơn vị thực hiện khá nghiêm túc. Nguồn nguyên liệu được kiểm định trước khi chế biến, xản suất theo quy trình khép kín nên dễ truy suất nguồn gốc nếu khi có sự cố.
Các thành viên đoàn giám sát đề nghị, để đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, phía Kiên Giang cần xây dựng một cơ chế thông thoáng cho các đơn vị kinh doanh trên địa bàn để mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hình thành ý thức tự chịu trách nhiệm từ người sản xuất đến cơ sở chế biến trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hạn chế sử dụng thực phẩm, chất phụ gia nhập khẩu từ nước ngoài. Đối với các cơ sở chế biến thủy sản, đoàn giám sát nhận định công tác bảo quản chủ yếu được thực hiện theo hình thức phổ thông, quy trình bảo quản chưa hợp lí nên dẫn đến ô nhiễm môi trường, nhiều nhất là khu Cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành).
Chính vì vậy, Kiên Giang cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khu cảng cá, mở rộng sân bãi, trang bị phương tiện bốc xếp hàng hóa để giảm thời gian vận chuyển, giúp công tác bảo quản thực phẩm được tốt hơn.