Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Quang Thuấn trình bày trước Đoàn Giám sát cho thấy, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, quản lý, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã phân cấp, phần quyền cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc về tổ chức, bộ máy, nhân sự..., tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý con người, công việc sát thực tế, rõ ràng, hạn chế sự ôm đồm và chồng chéo trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói chung, các đơn vị trực thuộc nói riêng đã được chủ động hơn trong việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của đơn vị, thực hiện dần từng bước cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo đầy đủ hơn và mở ra nhiều quyền về nghiên cứu, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế... tạo điều kiện đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ khoa học để thu hút thêm các nguồn kinh phí khác ngoài kinh phí ngân sách nhà nước giao hàng năm.
Hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thống nhất quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức phù hợp với kiện toàn cơ cấu tổ chức, bảo đảm thiết thực, hiệu quả trong thực thi công vụ; xây dựng định mức lao động… theo lĩnh vực, chuyên ngành nghiên cứu khoa học của từng đơn vị. Nhìn chung, quy mô, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Viện cơ bản được bảo đảm, có sự cân đối về các lĩnh vực khoa học cơ bản.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Nguyễn Quang Thuấn nêu thực tế khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo ngành nghề, cơ cấu, lĩnh vực của Viện vẫn chịu ảnh hưởng bởi sự biến động do nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã hết thời gian kéo dài công tác; cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ chưa thật phù hợp, chưa tạo sự lôi cuốn, tạo sự yên tâm công tác công vụ...
Một trong những giải pháp về thể chế, chính sách được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đưa ra là xây dựng thiết chế đặc thù phù hợp tính chất nội tại của khoa học xã hội để khắc phục sự hẫng hụt đội ngũ các nhà khoa học ở những vị trí chủ chốt trong cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ, được giữ cương vị lãnh đạo, quản lý trong một thời gian ngắn để chờ bổ sung, thay thế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gợi mở, để sử dụng được chất xám của đội ngũ các nhà khoa học khi đến tuổi về hưu, Viện nghiên cứu, xây dựng chế độ hợp đồng, giao khoán công việc bằng chế độ bảo đảm cho các nhà khoa học. Đội ngũ này sẽ nằm trong một danh sách khác chứ không nằm trong biên chế nhà nước giao. "Như thế ta vẫn có thể sử dụng, khai thác được nguồn lực vô tận, quý giá ấy", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất Quốc hội, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu và sớm ban hành các văn bản quy phạm đảm bảo các chế độ, chính sách ưu đãi, thu hút nhà khoa học làm việc bằng cơ chế ưu tiên, phụ cấp nghề; có cơ chế tự chủ trong các tổ chức nghiên cứu khoa học cơ bản; cơ chế tài chính, thanh toán khoán sản phẩm khoa học; cơ chế thuế, đặt hàng chuyên gia, nhà khoa học trong việc xây dựng các văn bản quy phạm, dự án, đề án...
Thành viên Đoàn giám sát nêu đối với tổ chức, bộ máy, hiện nay Nghị định của Chính phủ đã giao quyền tự chủ khá lớn cho Viện, ngoài những đơn vị chủ chốt do Thủ tướng quyết định thì việc thành lập, giải thể, sát nhập các đơn vị đều ủy quyền cho Chủ tịch Viện. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu tổ chức hiện nay, các tổ chức trung gian vẫn còn cồng kềnh, lực lượng làm công tác nghiên cứu vẫn còn mỏng…
Xuất phát từ đặc thù của Viện là nghiên cứu khoa học xã hội cơ bản để tham mưu cho hoạch định chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước, nhiều ý kiến trong Đoàn giám sát đề nghị Viện phải nhìn nhận những vướng mắc, tồn tại trong tổ chức bộ máy và hoạt động của mình, cũng như cơ chế đãi ngộ, thu hút các nhà khoa học… để kiến nghị với Đảng và Nhà nước.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có những đặc thù riêng với chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước....
Tới đây, trên tinh thần nghị định mới của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, Viện cần khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 109 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam...