Việc tăng thuế tài nguyên là cần thiết nhưng cần có lộ trình thực hiện từng bước và cần cân nhắc kỹ, để tránh tăng nguy cơ khai thác tài nguyên trái phép và không khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này… Đó là ý kiến được các doanh nghiệp và chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Lấy ý kiến DN hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về biểu mức thuế suất tài nguyên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 8/9, tại Hà Nội.Doanh nghiệp kêu lỗCông ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc là doanh nghiệp (DN) duy nhất tại Việt Nam khai thác, chế biến niken. Tuy nhiên, DN này đang đứng trước nhiều rủi ro trong hoạt động. Bà Trần Ngọc Anh, đại diện công ty cho biết, từ năm 2008 đến nay, giá niken sụt giảm nghiêm trọng. Nếu như năm 2007, một tấn niken nguyên chất có giá 40.000 – 50.000 USD thì năm 2012 chỉ còn 18.000 USD/tấn và đến nay còn 9.800 USD/tấn, trong khi đó, giá hoàn vốn là 14.000 USD/tấn, nên DN đang bị lỗ.
Trong khi đó, thuế và phí của hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu niken là không hề thấp. Theo tính toán của đơn vị này, tổng 5 mức thuế, phí: thuế xuất khẩu, phí cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường mà công ty phải nộp chiếm 43% tổng doanh thu của dự án. Con số này so với năm 2007 đã tăng 218%, tương đương 76 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đề xuất: “Nếu tăng thuế tài nguyên ngay lúc này thì doanh nghiệp và thu nhập người lao động sẽ bị ảnh hưởng, không có điều kiện phát triển khi thị trường phục hồi. Do đó, TKV đề nghị chưa tăng thuế trong 2 – 3 năm tới. Và việc tăng thuế suất tài nguyên phải được thực hiện bài bản, có lộ trình thực hiện dần dần để DN có thời gian xoay xở”. |
“Tuy hoạt động khai thác của công ty đang chịu lỗ nhưng các nhà đầu tư quyết tâm bám trụ chờ giá thế giới tăng trở lại. Vì vậy nếu tiếp tục tăng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường thì sẽ đe dọa sự tồn tại của DN chúng tôi và nhiều DN khác”, bà Trần Ngọc Anh cho biết.
Cùng chung cảnh ngộ, bà Trần Như Trang, Công ty CP đầu tư khoáng sản An Thông (Hà Giang) cho biết, công ty có 2 mỏ khai thác quặng sắt và 3 nhà máy chế biến, thì hiện 1 mỏ đã dừng hoạt động 1 năm, còn lại nhà máy đóng cửa, 1 nhà máy hoạt động cầm chừng, duy chỉ có 1 nhà máy hoạt động nhưng sản xuất kinh doanh tương đối khó khăn, từ 900 lao động nay chỉ còn 400 lao động. “Chúng tôi đang phải nộp thuế tài nguyên ở tỉnh Hà Giang là 1 – 1,4 triệu đồng/ 1 tấn quặng sắt. Nếu tăng thuế từ 12% lên 14% thì công ty sẽ càng bị lỗ”, bà Trang chia sẻ.
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, mà những doanh nghiệp lớn của nhà nước cũng đang đứng trước những khó khăn. Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, kinh tế suy giảm nên ngành than cũng gặp khó khăn. Mức thu thuế tài nguyên tăng nhanh, năm 2010 là 44.248 đồng/tấn than thì năm 2014 là 98.482đồng/tấn than, gấp 2,2 lần. Trong khi hiện nay, giá than xuất khẩu giảm, dự kiến năm 2015 chỉ xuất khẩu còn 1 triệu tấn/năm. Hơn nữa, do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn nên lợi nhuận năm 2014 chỉ bằng 40% so với 2010.
“Với mức thuế suất tài nguyên như dự thảo mới, mức thuế với than hầm lò và lộ thiên tăng từ 7 - 9% lên mức 10 -12%, làm tăng giá thành sản xuất than mỗi năm hơn 1.500 tỷ đồng. Như vậy tài chính của tập đoàn sẽ gặp khó khăn”, ông Nguyễn Văn Biên cho biết.
Cần có lộ trình cụ thểBà Vũ Hương, thành viên của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đánh giá, việc tăng thuế tài nguyên là giải pháp được đưa ra, trong bối cảnh nhiều loại thuế xuất nhập khẩu bị cắt giảm theo các cam kết hội nhập sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, với thực tiễn của nền kinh tế, đặc biệt khi ngành khai thác và chế biến khoáng sản của Việt Nam còn khó khăn thì việc tăng thuế tài nguyên cần được xem xét một cách cẩn trọng, có lộ trình dài hạn sau khi đánh giá các tác động đa chiều.
“Tăng thuế suất tài nguyên tại thời điểm hiện tại không phải là biện pháp tốt để bù đắp cho thuế xuất khẩu khoáng sản. Việc tính toán này mới dựa trên sản lượng khai thác nhân với thuế suất mới mà chưa tính đến yếu tố sụt giảm sản lượng khai thác, từ đó làm giảm tổng thuế mà nhà nước thu được”, bà Hương cho biết.
Cùng đó, nhiều chuyên gia lo ngại, thuế, phí tăng cao cùng điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm cho giá thành khai thác ngày càng tăng, hiệu quả kinh doanh của DN thấp, gây tình trạng khai thác “dễ làm, khó bỏ” làm tổn thất tài nguyên. Chưa kể đến, DN có thể giảm chi phí bằng cách hạn chế thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam nhận định: “Một số ý kiến cho rằng tăng thuế tài nguyên là để tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản là phi thực tế. Việc tăng cường quản lý tài nguyên chỉ có thể thực hiện thông qua nâng cao chất lượng và tăng cường quy hoạch, cấp phép, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, thăm dò và chính sách hợp lý với tài nguyên khoáng sản”.
Trước những ý kiến của DN, chuyên gia, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của các DN, là đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách này. Cùng đó, chúng tôi sẽ tham vấn ý kiến các nhà lãnh đạo, nhà khoa học về vấn đề này để có được quyết sách đúng đắn nhất”.