Kênh đối ngoại quan trọng trong tổng thể ngoại giao Việt Nam
Nhận định về vai trò của đối ngoại Quốc hội trong tổng thể đối ngoại quốc gia, ông Vũ Hải Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, đối ngoại Quốc hội là một trong những kênh đối ngoại rất quan trọng trong tổng thể ngoại giao Việt Nam.
Đối ngoại Quốc hội vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thể hiện ý chí của một nhà nước trong công tác thực hiện các chính sách đối ngoại, do đó mang tính nhà nước. Quốc hội mang tính nhân dân vì mang tiếng nói, ý chí nguyện vọng của cử tri tới các bạn bè quốc tế.
Các hoạt động đối ngoại của Quốc hội dựa trên các chức năng nhiệm vụ của Quốc hội gồm: chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đối với chức năng lập pháp, Quốc hội đã hoàn thiện thể chế trong công tác đối ngoại; ví dụ, các luật về điều ước quốc tế, luật về cơ quan đại diện; đóng góp vào những yếu tố đối ngoại trong các dự án Luật được Quốc hội thông qua.
Đối với công tác giám sát, Quốc hội giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đối với việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã quyết định những chính sách lớn về đối ngoại như các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, các vấn đề về gia nhập các tổ chức quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng, các vấn đề về ngân sách cho các hoạt động đối ngoại.
Ngoài ra, Quốc hội cũng trực tiếp thực hiện các hoạt động đối ngoại với nghị viện các nước nhằm tăng cường sự hiểu biết của nghị viện, nghị sỹ, nhân dân các nước với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của Việt Nam; đồng thời tham gia tích cực vào các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực nhằm góp phần có tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình và phát triển.
Theo ông Vũ Hải Hà, với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt với tinh thần chủ động tích cực trong các hoạt động đối ngoại đa phương, Quốc hội Việt Nam đã tham gia rất tích cực trong các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế như: Diễn đàn Liên minh Nghị viện thế giới; Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN; Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài việc chủ động tích cực tham gia các diễn đàn này, đóng góp vào nội dung các diễn đàn, Quốc hội Việt Nam cũng chủ động đăng cai các kỳ đại hội đồng của các diễn đàn nghị viện.
Điển hình là Đại hội đồng Diễn đàn Liên minh nghị viện thế giới (IPU) 132 tổ chức tại Hà Nội với dấu ấn “Tuyên bố Hà Nội, biến lời nói thành hành động”, đóng góp thiết thực vào Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Đặc biệt, tháng 1/2018, Quốc hội Việt Nam cũng đăng cai và tổ chức thành công Đại hội đồng Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26.
Tại diễn đàn này, Quốc hội Việt Nam đã đóng góp nhiều nội dung thiết thực cho tiến trình hội nhập kinh tế khu vực cũng như đảm bảo duy trì an ninh hòa bình trong khu vực. Đây là tiếp nối thành công của Tuần lễ cấp cao APEC, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong tiến trình hội nhập ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Vũ Hải Hà cho rằng, để triển khai hiệu quả công tác đối ngoại Quốc hội thời gian tới, về mặt pháp luật, cần có những nghiên cứu để đóng góp, hoàn thiện hơn nữa vào các thể chế nhằm góp phần vào thúc đẩy tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước. Bên cạnh đó, cần tích cực giám sát việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, các điều ước mà Việt Nam là thành viên.
Có như vậy, các cam kết về phát triển của Việt Nam mới bền vững. Bên cạnh đó, cần tích cực chủ động tại các diễn đàn nghị viện đa phương tại khu vực cũng như quốc tế bằng cách đưa ra những sáng kiến giúp định hình công tác đối ngoại Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Phát huy đặc điểm đối ngoại Quốc hội
Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh nhận định, trong giai đoạn hiện nay, đối ngoại Quốc hội đang đứng trước thời cơ và thách thức lớn. Thời cơ lớn nhất là vị thế của Việt Nam đã nâng tầm trên khu vực và quốc tế. Việt Nam ngày càng tham gia tích cực và chủ động trong các vấn đề nghị sự ở khu vực và thế giới; là thành viên tích cực, có trách nhiệm ở Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tuy nhiên thách thức bao trùm nhất là phải tạo lập môi trường hòa bình để đất nước phát triển. Đối ngoại Quốc hội cũng như đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước cần cố gắng triển khai công tác của mình, góp phần giữ môi trường hòa bình, ổn định của đất nước đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Đại sứ Ngô Đức Mạnh, hiện nay, Quốc hội Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao, quan hệ đối tác với hầu hết các nước trên thế giới. Việt Nam cũng là thành viên của nhiều tổ chức liên nghị viện như Tổ chức Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN, Diễn đàn Nghị viện Á-Âu… Việt Nam đã tham gia tích cực các hoạt động của diễn đàn nghị viện đa phương khi thường xuyên có các đoàn cấp cao từ Chủ tịch Quốc hội đến các Ủy ban chuyên môn tham dự các kỳ Đại hội đồng của Liên minh Nghị viện thế giới.
Thách thức hiện nay của ngoại giao nghị viện đa phương là phải thể hiện quan điểm, lập trường của Việt Nam tại các diễn đàn này. Đây là nơi tập hợp ý kiến, tiếng nói của nghị sỹ từ nhiều nước nên Việt Nam cần phải tham gia tích cực, có nhiều đề xuất, sáng kiến vì hòa bình, ổn định ở khu vực, thế giới đồng thời thúc đẩy giải quyết các vấn đề đang phải đối mặt như bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, buôn bán người, phòng chống ma túy…