Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng; các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo 14 tỉnh trong Vùng.
Tạo chuyển biến lớn trong Vùng
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối ghi nhận, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song các địa phương trong Vùng đã vượt khó, cố gắng khai thác các lợi thế để đi lên. Một số địa phương có cách làm mới, sáng tạo, cần nhân rộng.
Theo Phó Thủ tướng, việc liên kết Vùng đã có từ lâu nhưng chưa phát huy được hiệu quả, bởi khu vực này còn yếu về nguồn lực, yếu về hạ tầng, yếu về liên kết. Để kéo khu vực này lên, Phó Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, các địa phương trong vùng cần tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ, đề án đã đề ra. Trong đó các bộ, ngành Trung ương cần “trả nợ” các đề án còn thiếu, tổng hợp các báo cáo, các ý kiến phát biểu của các đại biểu để trình Chính phủ…
Các địa phương trong Vùng cần đưa ra các chính sách phù hợp với tình hình thực tế; triển khai hiệu quả các chương trình, đề án của Hội đồng điều phối tại tỉnh; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là mặt bằng tại các dự án hạ tầng giao thông; có phướng án ứng phó với biến đổi khí hậu và triển khai triệt để chuyển đổi số…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, các bộ, ngành và địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã khẩn trương quán triệt các nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết. Trong đó, Hội đồng điều phối Vùng đã đề ra 21 chỉ tiêu phát triển, 17 đề án, nhiệm vụ và 33 dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của Vùng cần nghiên cứu, thực hiện đến năm 2030.
Qua gần 2 năm triển khai, Hội đồng điều phối Vùng đã hoàn thành 5/17 nhiệm vụ, đề án quan trọng; đồng thời chỉ đạo triển khai hoàn thành 3 dự án, đang triển khai 15 dự án trên tổng số 33 dự án trọng điểm của Vùng. Trong đó, một số dự án quy mô lớn đã khởi công như: cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và dự án nâng cấp cảng hàng không Điện Biên đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Các dự án còn lại đang được các bộ, ngành và địa phương xây dựng lộ trình nghiên cứu, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Sau gần hai năm triển khai, các chương trình, dự án đã góp phần tăng trưởng của Vùng năm 2023 đạt 6,53%, cao hơn so với 5 vùng còn lại; đặc biệt là Bắc Giang có mức tăng 13,5%, cao nhất cả nước với. Một số địa phương có mức tăng khá như: Tuyên Quang 7,46%, Phú Thọ 7,45%. Thu ngân sách nhà nước toàn Vùng năm 2023 đạt 88 nghìn tỷ đồng, trong đó thu cân đối đạt 71 nghìn tỷ đồng, vượt 17% so với dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 67 tỷ USD, tăng 39% so với thực hiện năm 2022. Đặc biệt, năm 2023, Vùng đã thu hút khoảng 143 dự án FDI mới, với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD; toàn Vùng có 23 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 65%, cao hơn bình quân cả nước. Riêng quý 1 năm 2024, kinh tế của Vùng duy trì đà tăng trưởng ở mức 6,54%, dẫn đầu cả nước.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn trong điều phối, phát triển Vùng, đó là liên kết hợp tác còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, nhất là hợp tác qua biên giới và hợp tác liên vùng; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cấp Vùng chưa phát triển đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự hấp dẫn, vẫn nằm ở mức thấp so với các địa phương trong cả nước.
Làm rõ những kết quả và khó khăn, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng liên vùng và nội vùng; nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù vùng; phân cấp, phân quyền cho địa phương, chủ động huy đồng nguồn lực đầu tư. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề về các ngành nghề có lợi thế và thế mạnh đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh liên kết vùng, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh…
Hướng đến phát triển nhanh, bền vững, toàn diện
Tại Hội nghị, Hội đồng điều phối vùng đã tổ chức công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với tinh thần 8 chữ vàng là "Bản sắc, Sinh thái, Liên kết, Hạnh phúc".
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển; tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.
Theo đó, giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng bình quân đạt khoảng 7,5 - 8,0 %/năm; đến năm 2050, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 15.000 - 18.000 USD, chỉ số phát triển con người đạt trên 0,75, đời sống của người dân hạnh phúc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Để đạt được kết quả trên, Quy hoạch vùng đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, đó là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào; đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị và khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; xây dựng, nâng cấp hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch, hạ tầng thông tin, truyền thông và hạ tầng kinh tế số... Đồng thời, Vùng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là giáo dục nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng với nhu cầu của từng tiểu vùng, từng khu vực; chú trọng thu hút, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ tại chỗ; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng đề ra nhiều giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy và cảng cạn theo quy hoạch; xây dựng cơ chế, thể chế liên kết nội vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế đủ mạnh, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả điều phối; tập trung ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác để bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân; tập trung xây dựng và ban hành khung chính sách và cơ chế thu hút riêng theo đặc thù từng địa phương, trong đó chú trọng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính…
Theo Quy hoạch, vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh phía Bắc là Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, với tổng diện tích là hơn 95.000 km2. Trung du và miền núi phía Bắc có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có khả năng đa dạng cơ cấu kinh tế, có thế mạnh về khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện, nông nghiệp nhiệt đới và cận nhiệt đới, có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế khu vực này vẫn ở tình trạng phát triển thấp, cơ sở hạ tầng chưa bắt kịp được với nhu cầu xã hội…